Bay quốc tế chưa bằng 1/10 trước dịch

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, hàng không và du lịch có vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, khi thu nhập dân cư và nhu cầu khám phá thế giới, tận hưởng cuộc sống tăng lên. “Thậm chí, theo một nghĩa nào đó, có thể coi đây là hai ngành có vai trò dẫn dắt, tiên phong cho lối sống hiện đại”, PGS Thiên nói và cho biết:  

Hai năm qua, hai ngành hàng không và du lịch toàn thế giới bị thiệt hại có thể thuộc loại “đau thương” nhất. Đối với hàng không và du lịch Việt Nam, tình hình còn khó khăn hơn, thiệt hại có lẽ cũng nghiêm trọng hơn. “Lý do rất đơn giản: nền kinh tế Việt Nam chưa mạnh, độ mở cửa – với du lịch và hàng không làm tiên phong – mũi nhọn - lại cao”.

Vì thế, hiện nay, khi sự hiểu biết về dịch bệnh đã thay đổi, loài người đã cơ bản làm chủ được các điều kiện và các công cụ phòng chống dịch hiệu quả, việc nhiều nước trên thế giới có động thái trở lại bình thường, mở cửa nhanh chóng là một xu thế tất yếu. Việt Nam đã là quốc gia có độ phủ vacxin cao bậc nhất thế giới. Việt Nam đã từ bỏ chính sách “zero covid”, đã vượt qua những ám ảnh sợ hãi.

“Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách thúc đẩy mở cửa trở lại sớm và thuận lợi, hỗ trợ hai ngành hang không và du lịch phục hồi, … Đây là bước đi rất đúng hướng. ‘Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm’, ông Thiên nói.

Thực tế việc bay quốc tế hiện nay chỉ mang tính biểu tượng. Ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cho hay: “Việc phục hồi và sau đó tăng trưởng của ngành hàng không phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn tới khi nguồn khách này chiếm tới 70% lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không”. Bay quốc tế cũng chiếm 60-70% lợi nhuận của các hãng hàng không trong nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa Đông năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ), bao gồm: Campuchia, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Nga và Mỹ và còn 08 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Ma Cao, Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.

Theo ông Đăng, tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày. Trong khi đó, tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày (tức là chưa bằng 1/10 so với trước dịch).

{keywords}
 

Hàng loạt chính sách, quy định cần sớm ban hành

Tính từ ngày 1/2/2022 đến nay, lượng khách quốc tế vận chuyển trên các chuyến bay đi/đến Việt Nam đạt khoảng 200 nghìn khách. Theo chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam, đây là con số quá thấp, không đáng kể, không có ý nghĩa thực chất với ngành hàng không và du lịch.

Nguyên nhân nhân là chúng ta chậm mở cửa đón khách quốc tế, chúng ta còn quá nhiều rào cản để mở bay quốc tế, trong đó có vấn đề hộ chiếu, thị thực, quan điểm phòng chống dịch...

TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam cho biết, trong tuần này, Hiệp hội sẽ gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng các giải pháp “mở bay hoàn toàn, bay thực chất đón khách du lịch quốc tế”. 

Thứ nhất, Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét nhanh chóng khôi phục lại việc miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 quốc gia (Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bê-la-rút và cho quan chức Ban thư ký ASEAN) và đa phương cho công dân 9 quốc gia ASEAN. Thứ hai, xem xét mở rộng việc đơn phương miễn thị thực cho công dân của các quốc gia khác ngoài 13 quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên, ví dụ như Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Mỹ, Canada… Thứ ba, xem xét việc kéo dài thời gian miễn thị thực đơn phương thay vì 15 ngày như hiện tại.

Theo TS Nề, Quốc hội đã thông qua gói chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế, doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là hãng bay cần sớm được vay vốn ưu đãi lãi suất để phục hồi.

Bên cạnh đó, về mặt thủ tục, rút kinh nghiệm từ những bất cập trong việc mở bay bay nội địa và bay quốc tế thời gian qua, Hiệp hội đề nghị các bộ, ngành sớm công bố các chính sách, quy định, quy trình cụ thể từ quy định phòng dịch, hộ chiếu, thị thực, bảo hiểm covid, quản lý khách nhập cảnh… Các chính sách này cần được công bố rõ ràng từ 1.3 để các hãng hàng không và lữ hành kịp chuẩn bị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng khoa Vận tải Kinh tế, trường Đại học GTVT, chia sẻ: “Các đơn vị kinh doanh, lữ hành mong muốn các địa phương cần có sự thống nhất về chính sách, cách thức đón khách, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và du khách”. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với nhau cùng xây dựng chuỗi dịch vụ chất lượng, an toàn.

Để mở cửa đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, cần ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. “Cùng với đó, quy định của Việt Nam cho du khách quốc tế cần được công bố rộng rãi như một cam kết với du khách, các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch ở nước ngoài”, PGS Thái nói.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, trên thế giới, nhiều nước vẫn chưa có những động thái “mở cửa” đủ tích cực. Đây là cơ hội, là một lựa chọn chiến lược đúng đắn và can đảm để ta “chớp thời cơ” trỗi dậy. Qua đó bứt phá, gia tăng vị thế và sức cạnh tranh của ngành hàng không và cả ngành du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của cả nền kinh tế.

Mặt khác, PGS Thiên cũng lưu ý: “Chúng ta vẫn chưa quên rằng Việt Nam có rất nhiều năng lực, trong đó, có một năng lực là “bỏ lỡ thời cơ”. Lần này mà tiếp tục lỡ thì rất khó ăn nói với người dân, doanh nghiệp”.  

VietNamNet