- Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Thủ tướng thành lập, cho rằng hiện nay có một số trí thức ở nước ngoài xem trường hợp GS Trương Nguyện Thành là "phép thử" cho chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trở về.
Phóng viên: Thưa ông, việc giáo sư Trương Nguyện Thành trở về Mỹ do không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng đại học ở Việt Nam đang được dư luận quan tâm. Dưới góc độ cá nhân, ông phân tích sự việc này như thế nào?
- Ông Trần Đức Cảnh: Trường hợp ông Trương Nguyện Thành nên đánh giá ở khía cạnh tự chủ đại học, cụ thể hiện nay Trường ĐH Hoa Sen được quyền tự chủ ở mức độ nào. Ông Thành được Hội đồng quản trị trường Hoa Sen bầu làm hiệu trưởng với số phiếu 16/18, tuy nhiên không được Bộ GD-ĐT thông qua vì bị vướng tiêu chí “cứng” theo Luật.
Ngoài các tiêu chí khác, Luật Giáo dục đại học quy định, hiệu trưởng phải quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm là quá cụ thể và cứng nhắc. Theo tiêu chí này, hiệu trưởng chỉ có thể là người phải đi từ dưới lên và rất khó có trường hợp nào bên ngoài hội đủ tiêu chí này.
Theo dõi ở các nước phát triển, họ không đi theo mô hình này mà xác định vai trò của hiệu trưởng là quản lý trường. Mỗi trường có điều kiện phát triển khác nhau, tùy từng giai đoạn sẽ cần người lãnh đạo có khả năng giỏi về ngoại giao, chính trị, gây quỹ, quản lý, luật.. Thông thường, những người này không đi theo hệ thống trong trường mà từ bên ngoài do họ có những kinh nghiệm cần thiết. Không riêng giáo dục, ở lĩnh vực y tế thì giám đốc đốc bệnh viện của họ cũng không phải là bác sĩ mà là thạc sĩ, luật sư, người chuyên về ngành quản lý bệnh viện…
Trường hợp của ông Trương Nguyện Thành có ghi rõ, không đủ chuẩn do chưa đủ 5 năm làm quản lý cấp phòng/khoa theo yêu cầu, nhưng tôi nghĩ ông Thành đã được HĐQT Trường ĐH Hoa Sen chọn làm hiệu trưởng thì phải có lý do chính đáng, nên được tôn trọng. Hiện nay có một số tri thức ở nước ngoài xem trường hợp GS Thành là phép thử. Nếu trường hợp ông Thành không thành thì khó lòng đi thu hút nhân tài ở nước ngoài về, đa số họ vốn dĩ đã nghi ngờ và lo ngại về cơ chế và môi trường làm việc trong nước.
Những tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, kinh nghiệm quản lý, và trình độ bắt buộc phải có, nhưng tiêu chuẩn 5 năm làm quản lý cấp phòng khoa cần phải xét lại vì điều này quá cứng. Tôi nghĩ có những cái không cần quá cụ thể vì sẽ là rào cản khi áp dụng.
Hiện Luật Giáo dục đại học đang được sửa đổi, vậy cần sửa những gì để thúc đẩy hơn nữa tự chủ đại học ở Việt Nam?
- Vừa rồi Dự thảo Luật Giáo dục Đại học có nhấn mạnh về tự chủ đại học, tuy nhiên có những điều vẫn phải làm rõ về quyền hành và trách nhiệm, và tính liên đới của từng bộ phận. Điển hình là vai trò trường đại học với Bộ GD-ĐT như thế nào. Từ trước tới nay, Bộ GD-ĐT có vai trò là cơ quan chủ quản, nếu thực hiện tự chủ thì Bộ chủ quản chuyển thành Bộ quản lý nhà nước như thế nào?
Hiện nay, các trường đã được tự chủ một phần, nếu tự chủ hoàn toàn thì như thế nào, trách nhiệm của Hội đồng trường và trách nhiệm của hiệu trưởng cũng phải làm rõ. Cụ thể ở đây là trách nhiệm của Hội đồng trường ở trường công và Hội đồng quản trị ở trường tư. Hai bộ phận này phải làm rõ trách nhiệm điều hành, quyền quyết định và trách nhiệm giải trình ra sao.
Ông sống và làm việc ở Mỹ hơn 4 thập niên, ông có thể chia sẻ tiêu chuẩn hiệu trưởng ở Mỹ?
- Ở Mỹ không có bất kỳ quy định nào của Chính phủ về tiêu chuẩn của hiệu trưởng như ở ta. Hệ thống các trường công ở đây sẽ được quản lý ở cấp tiểu bang. Do vậy, Thống đốc bang thường bổ nhiệm một Hội đồng giáo dục cấp tiểu bang để quản lý trường. Hội đồng này ra một chính sách chung cho cả các trường hay từng loại trường công trong tiểu bang. Ngoài ra, mỗi trường cũng có Hội đồng trường riêng, như vậy hiệu trưởng do HĐQT bổ nhiệm. Trường sẽ tự quyết định hiệu trưởng theo nhu cầu. Việc trường bổ nhiệm một người không có ngày nào giảng dạy hoặc làm trưởng khoa là việc bình thường. Các trường tư thì tự họ quyết định, chính quyền hoàn toàn không xen vào.
Theo ông nên quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng đại học ở Việt Nam như thế nào?
- Ở Việt Nam có hai hệ thống trường công và trường tư nên quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng có phần khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ những tiêu chí cứng không cần thiết phải thể hiện rõ trong Luật, vì khi đã giao trách nhiệm cho Hội đồng trường chọn hiệu trưởng thì họ phải đặt quyền lợi của trường lên trên hết để chọn ứng viên phù hơp.
Nếu Chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể mà giao cho Hội đồng trường thì cơ quan này rất khó thực hiện và có thể không hiệu quả. Ở trường tư, HĐQT sẽ quyết định vì động cơ làm cho trường tốt hơn rất rõ ràng. Trường tư có thể thuê hiệu trưởng nên đặt tiêu chí chuẩn tương đối vì thị trường sẽ quyết định hiệu quả của hiệu trưởng, nếu không hiệu qủa thì trường có thể không tồn tại.
Hiện nay hiệu trưởng đại học ở Việt Nam thường được Bộ GD-ĐT và các cấp chính quyền phê duyệt, còn Hội đồng trường hay HĐQT chỉ để xuất. Khi hai cơ quan này phê duyệt thì Hội đồng trường hay HĐQT không có quyền quyết định những vấn đề của nhà trường nữa. Ông nghĩ gì về điều này?
- Nên giao quyền quyết định cho Hội đồng trường và không nên can thiệp vào việc của trường. Nguyên tắc là quyền hành đi đôi với trách nhiệm, không giao cho ai trách nhiệm mà lại tước đi một phần quyền hành. Ở trường tư cũng vậy, không nhất thiết phải trình lên chính quyền mà ở mức đó nào đó chỉ nên báo cáo và các cơ quan này.
Cảm ơn ông đã trao đổi!
Lê Huyền (thực hiện)
Nhiều trường đại học khuyết hiệu trưởng
Một số trường đại học hiện nay đang khuyết vị trí hiệu trưởng do người cũ đã hết tuổi quản lý nhưng chưa bổ nhiệm người mới. Thời gian khuyết này kéo dài gần cả năm nay.
PGS 46 tuổi làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
PGS.TS Mai Thanh Phong vừa được Giám đốc ĐHQG TP.HCM bổ nhiệm giữ chức hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa.
Bộ Giáo dục giải thích tại sao hiệu trưởng phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý
Pháp luật vẫn cần có quy định mở trong những trường hợp nhất định có thể chấp nhận những cách giải quyết linh hoạt, không nên quá máy móc.
Chuẩn hiệu trưởng đại học Việt Nam "ngáng chân" giáo sư Mỹ?
Sự kiện một GS Việt kiều thiếu chuẩn để làm hiệu trưởng đại học Việt Nam đang được giới giáo dục đại học quan tâm.
Không đủ chuẩn làm hiệu trưởng, GS Trương Nguyện Thành rời ĐH Hoa Sen về Mỹ
Không đủ chuẩn để giữ chức hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, GS Trương Nguyện Thành đã chia tay ngôi trường này sau 1 năm gắn bó để về Mỹ.