- Trong bài phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2016, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước – GS Trần Văn Nhung – khẳng định: “Đất nước đang trông đợi ở các GS, PGS”.


Theo ông Nhung, các GS, PGS cần góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa, giáo dục, đạo đức và khẳng định tầm vóc khoa học quốc gia.

{keywords}
Các GS, PGS được công nhận năm 2016. Ảnh: Lê Văn

Học hàm, học vị là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bằng cấp, chức danh là sự ghi nhận nỗ lực của cá nhân từ ngày hôm qua. Bản thân bằng cấp, chức danh không sinh ra ý tưởng mới, không tạo ra giá trị mới thay cho chủ nhân của nó” – ông Nhung cho hay.

Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước mong rằng các tân GS, PGS nghĩ về trọng trách của mình từ ngày hôm nay. Sau khi đạt chức danh ta sẽ làm gì, đó là mong mỏi, là kỳ vọng cao hơn của đất nước, của nhân dân”.

Đất nước trông đợi gì?

PGS Nguyễn Hiền Phương, người vừa được bổ nhiệm PGS ngành Luật năm 2016, cho rằng các PGS, GS luôn được mong đợi sẽ là những đầu tàu dẫn đầu trong các phong trào nghiên cứu khoa học, thực hành, giảng dạy.

Họ có sứ mạng định hướng, khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn để có thể đóng góp nhiều hơn trong công việc của mình. Đồng thời, các GS, PGS cũng được mong đợi sẽ là những tấm gương để đồng nghiệp, học sinh noi theo” – bà khẳng định.

Vì vậy, theo bà, điều quan trọng nhất đối với mỗi tân GS, PGS, cũng như GS, PGS cả nước nói chung chính là phải làm tốt chính công việc mà mình được giao.

"Mỗi người cần xác định mình “giống như một chiếc lá, việc của mình là biếc xanh”. Làm tốt công việc của bản thân cũng là một đóng góp rất lớn" - PGS Phương nói.

Còn với GS Vũ Thị Thu Hà, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, một trong số không nhiều nữ GS được công nhật đạt tiêu chuẩn năm nay, thì đất nước đang trông đợi GS, PGS cống hiến bằng tất cả năng lực, trí tuệ, tinh thần và sức lực của mình cho sự phát triển bền vững.

Để đáp ứng được sự trông đợi này, GS Hà cho rằng các GS, PGS cần phấn đấu không ngừng nghỉ để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển nền kinh tế - xã hội.

Để giáo sư không là “danh hão”

Hiện nay, việc bổ nhiệm GS, PGS cũng đã được giao về các trường căn cứ vào nhu cầu của chính các trường. Sau khi đã được Hội đồng chức danh GS Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, những người đạt tiêu chuẩn sẽ được cơ sở giáo dục, đào tạo bổ nhiệm vào vị trí GS, PGS.

Tuy nhiên, hầu như chưa có trường hợp nào bị trường từ chối bổ nhiệm sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã công nhận. gần như, nghiễm nhiên sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn, là các tân GS, PGS sẽ được trường bổ nhiệm.

...

“Việc công nhận đạt tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước là điều kiện cần, trường tự đưa ra quy trình, những tiêu chí điều kiện khác để tự phong là không nên. Nhưng khi tự chủ tới mức nào đó, trường hoàn toàn có thực quyền hoạt động thì trường có thể đề ra các tiêu chí khác đối với GS, PGS của trường”.

- GS Nguyễn Đức Dân

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS nhà nước cũng khẳng định, việc công nhận đạt được tiêu chuẩn chức danh GS, PGS chỉ là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm các chức danh này vào các vị trí công tác trên cơ sở chiến lược phát triển đội ngũ, cơ cấu và nhu cầu nhân lực của đơn vị.

Nhận xét về việc này, GS Nguyễn Đức Dân nhìn nhận để danh “giáo sư trường” không phải là “cái danh hão”, thì một trong những điều quan trọng nhất là hiệu trưởng không bị chi phối bởi Bộ GD-ĐT và các cơ quan chủ quản.

Muốn việc bổ nhiệm GS, PGS không phải chỉ là bổ nhiệm hão cần đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng trường lên. Hội đồng trường phải có quyết định. Chứ nếu Bộ quyết định rồi trường chấp nhận ngay thì không thực chất được”.

GS Dân phân tích, “Bây giờ gần như Bộ công nhận là trường công nhận và bổ nhiệm, không có trường hợp nào trường không công nhận.

Hiện nay các Hội đồng trường chỉ là hình thức, hiệu trưởng… muốn làm gì thì làm, Hội đồng trường không hoạt động thực chất được. Khi hiệu trưởng quyết định thì cũng phải “lấy lòng” Bộ, “lấy lòng” cơ quan quản lý.

Nếu các Hội đồng trường đi vào thực chất, thì đây sẽ là nơi quyết định mọi việc. Hiệu trưởng phụ thuộc Hội đồng trường chứ Hội đồng trường không phụ thuộc quyết định của hiệu trưởng như tình trạng của đa số các trường hiện tại”.

GS Dân cũng cho rằng học hàm GS, PGS phải gắn với trường. “Bỏ trường này đi trường khác, chuyển sang công tác hành chính, sang làm việc ở Bộ này Bộ khác mà vẫn giữa chức danh GS, PGS là không được. Khi rời trường nơi mình được bổ nhiệm giáo sư thì phải bỏ chức danh đó đi, không được mang chức danh này tới chỗ khác”.

Còn PGS Nguyễn Hiền Phương cho biết bà không đồng tình với những quan điểm cực đoan, luôn đòi hỏi đã là GS, PGS thì phải có phát minh, sáng kiến hay phải thế này, phải thế kia.

"Việc được công nhận các chức danh GS, PGS thực chất là thông qua những thành tựu, cống hiến trong quá khứ" – bà phân tích, tuy nhiên, cũng khẳng định rằng đã là GS, PGS thì không được chỉ hài lòng với danh hiệu vừa được phong tặng rồi thu mình trong cái kén của của danh hiệu đó với những quyền lợi mà nó mang lại.

"Vấn đề là phải nhận thức được rằng đây là nấc thang mới để tiếp tục phấn đấu, phát huy và cống hiến nhiều hơn nữa" - bà chia sẻ.

Trong khi đó, GS Hà cho rằng, để chức danh GS, PGS không trở thành "danh hão", những người được bổ nhiệm chức danh GS, PGS cần tiếp tục công cuộc đào tạo những lớp người kế cận, không chỉ bằng cách truyền thụ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, mà quan trọng hơn là truyền cảm hứng, truyền lửa đam mê cho các thế hệ học trò.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo, một trong những nhiệm vụ quan trọng của những người là PGS, GS chính là nghiên cứu”. Bà nhấn mạnh "Các GS, PGS cần phải xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, tiếp cận xu hướng của thế giới, tạo ra nhiều công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trên thế giới. Việc phát triển kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng là nhiệm vụ quan trọng của các GS, PGS”.

...

“Trong bối cảnh rất nhiều trường đại được thành lập chủ đầu tư cũng khác nhau, việc xây dựng các tiêu chí bổ nhiệm GS, PGS rất khó kiểm soát. Nếu giao hẳn việc bổ nhiệm các GS, PGS cho các trường thì không hợp lý. Bởi lẽ, các trường có thể đưa ra những tiêu chí khác nhau, từ đó dẫn đến không tương xứng ở phạm vi rộng và cũng mất đi sự công bằng”. - PGS Nguyễn Hiền Phương

Ngân Anh - Lê Văn

PGS Nguyễn Hiền Phương