Tôi vẫn nghĩ, theo thời gian, mỗi chúng ta đều trở nên có giá trị hơn chính bản thân mình trước đó. Không phải thế sao khi chúng ta có thêm bao trải nghiệm, chúng ta hiểu biết hơn, chúng ta "giàu có" về tâm hồn, trí tuệ hơn?
Nhưng sự thật thì tôi lại thấy nhiều người trở nên... xuống giá so với chính họ trước đây. Hoặc có thể là chính họ đã tự xuống giá bản thân mình. Vì năm tháng, nhan sắc cũ không còn nữa. Vì năm tháng, họ đã quên đi những kiêu hãnh cũ.
Vì năm tháng, họ tự giới hạn lại mình, giấu bớt bản thân đi, rút sâu vào trong những tổ kén do họ lập ra. Và vì năm tháng, họ quên mất giá trị thực của mình khi cứ chạy theo những giá trị ảo mà người đời muốn họ như thế!
Tôi không biết có bao nhiêu người như thế? Và bao nhiêu người thậm chí free cả giá trị bản thân mình rồi? Bởi năm tháng, bởi cái câu: "Già xừ nó rồi!", mà nhiều người thay đổi. Về hình thức thì là những mẹ sề.
Đã thôi trang điểm. Đã thôi váy vóc. Đã thôi tận hưởng theo đúng giá trị bản thân xứng đáng được tận hưởng như thế. Thậm chí có người coi đời mình bỏ đi rồi! Nhưng về con người thì mới đau đớn hơn khi nhiều người thôi đòi hỏi cả những ứng xử xứng đáng dành cho chính họ từ các mối quan hệ của họ. Vì "đòi hỏi có được nữa đâu", vì "ở tuổi này rồi, có còn phơi phới thanh xuân nữa đâu mà đòi"...
Thậm chí trong công việc, nhiều người cố kiết bám lấy một công việc đã nhàm chán lắm rồi mà không dám thay đổi nữa. Vì "đến tuổi này rồi lại làm CV đi tuyển dụng thì ôi mặt quá". Vì ngại thay đổi. Vì sợ thay đổi. Chép miệng mà sống tiếp. Rồi cả trong hôn nhân, chấp nhận một hôn nhân hình thức mà giữ.
Bị chồng đối xử không ra gì cũng vẫn cắn răng chịu đựng. Vì "ly dị làm sao được khi vẫn còn con cái" dù thậm chí con cái không bao giờ thấy mặt bố, thậm chí bố đối xử với con tệ hơn cả thiên hạ. Hay kể cả có tử tế nhưng ông chồng mê cờ bạc, đề đóm, về nhà đánh chửi vợ thì chúng ta giữ "nhà giáo" kiểu này cho con chúng ta học theo ư?
Tôi hiểu chứ! Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi không ở trong hoàn cảnh của họ thì làm sao tôi hiểu họ? Ai cũng có những lý do để trì hoãn thay đổi. Đem Kaizen (Kai- thay đổi/ zen- tốt đẹp: Kaizen là phương pháp thay đổi để tốt đẹp hơn của Nhật) ra dạy họ thì cũng sẽ bị ngáng trở bởi những lý do. Bởi muốn thay đổi họ đã tìm cách thay đổi, không muốn thay đổi thì họ sẽ chỉ thấy những lý do.
Nhưng. Nhưng thế nào đi nữa, dù không muốn (cần) thay đổi thì cũng đừng vì thế đại hạ giá bản thân mình. Năm tháng qua đi, thứ làm cho cuộc đời nhớ tới bạn vốn không phải là bạn đã làm được gì cho đời mà là giá trị của bạn ở cuộc đời này. Giá trị đó mới là thứ đóng góp cho cuộc đời này trở nên tốt đẹp hơn.
Hôm nay, bạn sẽ định giá lại bản thân mình chứ?
Theo Gia đình và Xã hội
Hành trình 30 năm thay đổi số phận cho trẻ bụi đời của nhà giáo 74 tuổi
'Những đứa trẻ đến với chúng tôi như một cái duyên. Dù không có chủ ý làm từ thiện vì cuộc sống lúc đó còn khó khăn, nhưng chúng tôi đã không nỡ để chúng rời đi...'.