- Có hai cô con gái “hát rất hay, tôi đã làm CD cho các cháu, in 1.000 bản để tặng bạn bè” – như  lời NSƯT Quốc Hưng chia sẻ - nhưng “tôi sẽ không cho con đi thi bất cứ một cuộc thi hát nào dành cho thiếu nhi”.

- Cháu lớn đang học piano, nhưng chỉ là học chơi. Cháu bé tôi sẽ cho học violon. Sau này có thể tôi sẽ cho các cháu thi vào học viện với hai nhạc cụ này.

Nhiều gia đình cho con học đàn từ  4 - 5 tuổi, tại sao muốn cho con học đàn mà anh chị lại chờ đến bây giờ vẫn chỉ “học chơi”?

- Các cháu ở độ tuổi 4, 5 xương tay còn rất mềm, ấn xuống phím đàn chưa đủ mạnh, rất khó để có tiếng đàn tốt. Vì vậy, để thực học ít nhất là phải 7 tuổi, khi xương bắt đầu cứng cáp.

Với hai cháu nhà tôi, tôi vẫn cho rằng các cháu còn bé, chưa biết rõ mình thích hay không thích. Để cho các cháu lớn hơn một chút nữa, bản thân các cháu sẽ xác định rõ mình thích học loại nhạc cụ gì.

{keywords}

NSƯT Quốc Hưng hiện là phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia

Con hát hay, anh là giảng viên thanh nhạc (NSƯT Quốc Hưng hiện là phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia - PV), mà lại định cho học đàn? Tại sao anh không cho con học thanh nhạc?

- Tôi xin khuyên các bậc phụ huynh là khi con còn nhỏ không nên cho học thanh nhạc. Hãy chờ đến khi nữ được 16 tuổi, nam 17 tuổi hãy học hành bài bản. Bởi vì học thanh nhạc từ bé, khi giọng hát chưa ổn định, giọng sẽ bị vào rãnh, sau này không chữa được nữa.

Theo NSUT Quốc Hưng, cha mẹ muốn con trở thành ca sĩ chuyên nghiệp thì hãy chờ đến 16 - 17 tuổi hãy học hành bài bản

Chúng ta có thể thấy nhiều ca sĩ khi bé  hát hay kinh khủng, nhưng lớn lên giọng vẫn thế, vẫn  “nheo nhéo” như trẻ con.

Nếu các cháu thích hát, hát hay, hãy để cho các cháu hát tự nhiên, muốn hát kiểu gì thì hát. Có  thể sinh hoạt ở nhà thiếu nhi, tham gia các đội hát tập thể… Nhưng hãy hát tự nhiên, đừng dạy đừng học gì cả.

Với các cuộc thi hát dành cho thiếu nhi thì sao, có nên tham gia không, thưa anh?

- Chắc chắn tôi sẽ không cho con tôi tham gia. Các phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi cho con đi thi.

Tôi thấy bố mẹ vất vả cho con đi thi, mà cuối cùng chả giải quyết được gì.

Trẻ thua cuộc thì tự ti, không tin tưởng vào cuộc sống cũng như bản thân. Trẻ thắng cuộc cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định về tâm lý.

Tất cả những cháu nào muốn  đi theo con đường ca sĩ chuyên nghiệp thì, như tôi đã nói, hãy chờ đến 16 tuổi đối với các cháu gái, và 17 tuổi đối với các cháu trai. Khi đó cơ thể và nhất là thanh quản của các cháu đã phát triển ổn định, hãy bắt đầu học hành “tử tế”.

Nếu các cháu có năng khiếu thật sự, phụ huynh nên làm gì trong lúc chờ đến tuổi học thanh nhạc?

- Nếu có điều kiện, phụ huynh hãy cho các cháu học piano, vilon, oorgan. Đây là những nhạc cụ cơ bản của âm nhạc. Nắm chắc rồi chuyển sang học thanh nhạc sẽ rất thuận lợi.

Còn nhạc cụ dân tộc thì sao?

- Nhạc dân tộc cũng rất tốt, nhưng những nhạc cụ tôi kể trên là cơ bản nhất. Nhạc dân tộc là “ngũ cung” – tức là chỉ có 5 nốt, không phải 7 nốt nhạc cơ bản.

Anh có “bắt” con nghe nhạc đỏ - loại nhạc của bố?

- Tôi chẳng bắt con phải nghe gì hay không được nghe gì. Nhưng các cháu có lẽ sống trong môi trường âm nhạc của bố, nên không nghe được nhạc trẻ, kể cả những ca sĩ đang nổi trong giới trẻ hiện nay.

Còn anh, ngoài nhạc đỏ, anh có nghe các loại nhạc khác?

- Trừ nhạc trẻ là không thể nghe được, tôi vẫn nghe nhạc “sến”, chèo, cải lương... Nghe những loại nhạc đấy tôi thấy dễ chịu. Tôi đặc biệt thích các chương trình cải lương của miền Nam.

Xin cảm ơn anh.

  • Chi Mai (Thực hiện)

XEM THÊM