Mỗi năm hè đến, việc lựa chọn cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa nào lại nóng từ trong từng gia đình, nóng ra đến các diễn đàn trực tuyến, đến mạng xã hội. Một số năm lại đây, các khóa tu mùa hè cũng được nhiều phụ huynh lựa chọn.

Vừa là Phật tử, vừa là người quan tâm nghiên cứu giáo dục, tôi cũng hay được hỏi ý kiến chuyện này. Dù trong hoàn cảnh nào thì tôi cũng cố hỏi cho bằng được mục đích của các nhà khi có ý định gửi con “vào chùa học” như vậy là gì.

Từ góc độ của một Phật tử, phải nói rằng khi nghe những ý định tốt đẹp như vậy tôi rất lấy làm hoan hỉ. Tuy nhiên vì học Phật, tôi cũng luôn tự nhắc nhở mình cần suy xét mọi việc theo hướng học hỏi để trở nên có trí tuệ. Để hiểu biết rõ hơn, tôi cũng đã từng đi tìm hiểu các chương trình “Khóa tu mùa hè” được tổ chức ở nhiều chùa, có lần dành vài ngày để quan sát.

Có thể nói các chương trình được xây dựng đều tốt, các thày tham gia giảng cho các con không chỉ là giảng Pháp (giáo lý nhà Phật) mà dùng những câu chuyện thường ngày, được quán chiếu bằng cái nhìn của Đạo Phật, hết sức thân thiện, gần gũi và dễ hiểu. Khi tìm hiểu, niềm tin vào Đạo Phật trong tôi lại càng được củng cố vì nhận thấy rõ câu người ta vẫn nói “Đạo Phật là một hệ thống giáo dục hoàn hảo” hoàn toàn không phóng đại chút nào. 

{keywords}
Một số năm lại đây, các khóa tu mùa hè cũng được nhiều phụ huynh lựa chọn. Ảnh: Phatgiao.org.vn

Ngoài ra, các khóa tu cho thanh thiếu niên, cũng không thể thiếu những hoạt động bồi dưỡng kỹ năng, thái độ trách nhiệm cho các con, như các con vẫn phải lao động phục vụ bản thân và cộng đồng.

Đây là điểm tôi đánh giá rất cao đối với các chương trình này, vì bản thân tôi cũng cho rằng lao động là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để giáo dục con cái có được nhân cách tốt đẹp. Có lao động, các con tham gia khóa tu hiểu hơn về sự hữu hạn của các nguồn lực mà Mẹ trái đất cung cấp cho con người, biết quý trọng sức lao động của cha mẹ, của những người xung quanh và biết sống tiết kiệm hơn.

Ngoài những ưu điểm thì các Khóa tu vẫn có thể còn một số điểm tồn tại. Ví dụ như có lần tôi chứng kiến các cháu, lớn thì 16, 17 tuổi, nhỏ thì 7, 8 tuổi… đi vòng quanh đọc ê a những bài kệ, mà có thể các cháu phải đi đến nửa giờ hoặc hơn nữa. Thực sự là nếu phải đi như thế, kể cả các chú tiểu đã xuất gia cũng còn thấy nhàm chán, nữa là trẻ con, học sinh còn chưa hiểu rõ mục đích và tác dụng của việc cầu kinh đọc kệ.

Chính vì vậy mà tôi cũng chứng kiến có không ít cháu, sau khi đi Khóa tu về thì tuyên bố “sẽ không bao giờ bước chân đến Chùa nữa!” Nếu với mong muốn gieo duyên Phật pháp cho con, mà sau Khóa tu con tuyên bố như thế thì có phải con đường theo Đạo Phật của con lại hẹp đi một chút rồi không?

Sau khi hỏi han, tôi tạm nắm được những mục đích chính của các bậc cha mẹ khi nảy ra ý tưởng gửi con đi các Khóa tu: thứ nhất, bố mẹ là Phật tử, muốn gieo duyên Phật pháp cho con. Thứ hai, bố mẹ đang có những khó khăn trong dạy con, muốn con có một môi trường mới với hy vọng “biết đâu đấy…” và thứ ba, ý kiến tôi vừa nghe từ một người bạn: “Em muốn con em học yêu thương.”

Cả ba mong muốn này, đều có những lý do chính đáng cho chúng ta để hoan hỉ, vì về tổng thể, chúng đều dẫn tới những kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu nhìn thật sâu, sẽ có những vấn đề chúng ta phải suy nghĩ kỹ càng hơn nữa.

Gia đình tôi ông bà các cháu, cả chúng tôi đều theo Phật nhiều năm, nhưng chưa bao giờ bắt con phải dự những khóa lễ theo Đạo tràng mà gia đình vẫn thường đi. Vì chúng tôi hiểu theo Đạo Phật cũng phải theo triết lý “tùy duyên” – đặc biệt là việc theo một tín ngưỡng nào đó tuyệt đối không thể ép buộc, dù dưới bất cứ hình thức nào.

Với các cháu hiện đang có những vấn đề mà gia đình cảm thấy khó khăn trong giáo dục con, thì có thể có nhiều cách nhìn nhận, nhưng có một điều rất đáng suy nghĩ là nhiều tấm gương con trẻ đã tiến bộ nhờ sự thay đổi tích cực của cha mẹ. Do đó việc quan trọng là cha mẹ cần bình tĩnh quán xét xem cách đối xử của mình với con, quan niệm giáo dục… đã thực sự đúng đắn hay chưa, chứ không thể chỉ trông chờ ở việc nhờ người khác dạy lại con cho mình, kể cả “người khác” đó là nhà Chùa.

Còn về người bạn tôi, người có câu trả lời rất tuyệt vời là “muốn con em học yêu thương” thì lại có vấn đề khác: anh bạn say mê chơi chim cảnh, và thực sự yêu thương chúng. Tuy nhiên, từ góc độ người học Phật thì cách yêu thương này không đúng đắn, mà giam hãm chúng, làm chúng mất tự do, tác động thô bạo vào sự thuận tự nhiên của cuộc sống.

Một sự yêu thương không đúng đắn như thế cũng đủ ảnh hưởng đến tâm hồn của con cái. Do vậy việc đưa con đến Chùa học là tốt nhưng bằng hạt cát so với điều chưa tốt chưa khắc phục được to bằng quả núi.

Hai vấn đề thứ hai và thứ ba cho thấy nếu chúng ta, những người đang làm cha mẹ mà còn chưa đủ tỉnh táo để xây dựng cho mình một cách nhìn đúng đắn về mọi việc đang xảy ra xung quanh, thì chắc chắn sẽ khó khăn trong dạy con khi đặt con vào một khóa tu, dễ xảy ra mâu thuẫn giữa các thế hệ.

Vì vậy, các Khóa tu mùa hè với thanh thiếu niên là rất tốt, nhưng với phần lớn các trường hợp thì người cần đi học, có khi lại là các bậc cha mẹ, học để về mà biết cách sống cùng con…

Phúc Lai