Từng là điểm sáng trên bản đồ viễn thông thế giới, thế nhưng các chỉ số xếp hạng của ngành viễn thông Việt Nam đã đi tụt lùi trong khoảng 10 năm trở lại đây. Thứ hạng của Việt Nam hiện ở mức 108 so với khoảng 200 quốc gia trên thế giới.

Do vậy, trong thời gian gần đây, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đang liên tục đưa ra những phương án nhằm nhìn nhận một cách chính xác tình hình hiện tại, từ đó tìm cách vực dậy sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam.

Viễn thông Việt Nam có thực sự yếu kém như bảng xếp hạng?

Tại cuộc họp Giao ban quản lý Nhà nước tháng 3/2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi về tính chính xác trong công tác thống kê số liệu của ngành TT&TT.

Theo đó, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) từng cho biết, số người dùng Internet Việt Nam trong năm 2018 là 54 triệu người, chiếm 62% dân số. Điều này cần phải xem lại bởi Việt Nam hiện có tới 60 triệu chiếc smartphone kết nối Internet. Tỷ lệ dùng 2 smartphone tại Việt Nam là 1,1 máy/người, như vậy có ít nhất 55 triệu người dân được tiếp xúc với Internet di động.

Trong khi đó, số lượng đường truyền cáp quang đến hộ gia đình là khoảng 15 triệu thuê bao. Mỗi đường cáp quang này thường tương đương với 4 người dùng, như vậy, sẽ có thêm khoảng 60 triệu người dùng Internet băng thông rộng.

Khi xét cả 2 yếu tố trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, con số 54 triệu người Việt Nam dùng Internet của Cục Viễn thông đưa ra là chưa chính xác.

{keywords}h
Diện tích phủ sóng 4G của Viettel. Đây cũng là nhà mạng có vùng phủ lớn nhất và có khả năng bao quát khoảng 95% dân số Việt Nam.

Bộ trưởng cho rằng Cục Viễn thông cần tham khảo kinh nghiệm của các nước để có cách tính mới, cung cấp chính xác cho các tổ chức quốc tế để phản ánh một cách trung thực tình trạng phát triển của ngành viễn thông. Bên cạnh đó là các chỉ số khác của bộ chỉ số phát triển viễn thông IDI (ICT Developement Index - IDI) để xem cần cải thiện những gì.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất các nhà mạng phải cung cấp số liệu online (theo giời gian thực) lên Bộ TT&TT, tránh việc báo cáo thống kê bằng văn bản giấy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc quản lý lĩnh vực viễn thông phải dựa trên số liệu, do đó Bộ TT&TT cần có số liệu theo thời gian thực từ các nhà mạng. Đây là cách quản lý đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông phải ra quy định về việc phân loại xem nhưng dữ liệu nào các nhà mạng cần cung cấp online.

Muốn thúc đẩy ngành viễn thông, chỉ có cách dùng cạnh tranh

Trước những trăn trở về việc đã đến lúc ngành viễn thông Việt Nam cần phải có một chiến lược mới nhằm cải thiện thứ hạng của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chiến lược duy nhất của ngành viễn thông là cạnh tranh.

Từ lâu ngành viễn thông di động đã tồn tại thế chân vạc với 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải kích các doanh nghiệp này, tạo ra sự thay đổi, từ đó thị trường di động mới phát triển.

{keywords}
Số liệu thị phần di động Việt Nam năm 2017. Nguồn: Sách trắng CNTT-TT 2017.

“Tư duy của 3 nhà mạng là tôi đã thu của người dân được 100.000 tiền điện thoại mỗi tháng, nếu tôi làm thêm mạng data, tôi sẽ thu được thêm của người dân 100.000 nữa, tổng cộng là 200.000. Đây là tư duy sai cơ bản", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, doanh thu bao nhiêu năm nay đã giúp các doanh nghiệp viễn thông khấu hao hết khoản vốn đầu tư, do vậy cần giảm giá dịch vụ thoại và tin nhắn.

Tỷ lệ sử dụng dữ liệu trên mỗi thuê bao ở Việt Nam hiện rất thấp, chỉ bằng một nửa so với nước láng giềng Campuchia. Nếu thực hiện được chính sách trên, người dân sẽ có khoản chi lớn hơn cho dịch vụ data (dữ liệu). Lúc này, lượng thuê bao data và mức sử dụng data của người dân cũng sẽ theo đó mà tăng lên. Đây là nền tảng của chuyển đổi số và kinh tế số.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Cục Viễn thông trong tháng 4 cần xây dựng chiến lược mới nhằm phát triển ngành viễn thông Việt Nam. Mục tiêu đặt ra là phải nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ thế giới, phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 90% người dân Việt Nam được sử dụng smartphone.

Nhà mạng phải thay đổi và bắt kịp xu hướng thế giới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng doanh thu mỗi năm, các nhà mạng cần bỏ tiền đầu tư lâu dài nhằm phục vụ cho việc phát triển dài hạn.

Để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ data di động trong người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất việc đẩy mạnh các gói cước data theo ngày.

Dịch vụ điện thoại là nhu cầu thiết yếu, trong khi đó data di động chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí. Khác với nhu cầu thiết yếu cần được đáp ứng hàng ngày, nhu cầu giải trí của mỗi người là khác nhau tuỳ theo thời điểm.

{keywords}
Trong nhiều năm liền, các nhà mạng viễn thông là con gà đẻ trứng vàng cho nền kinh tế Việt Nam. Để duy trì được điều này, các doanh nghiệp viễn thông phải nhanh chóng chuyển mình và bắt kịp với các xu thế công nghệ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phong phú hoá gói cước, triển khai mạnh các gói dịch vụ data theo ngày sẽ đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, từ đó thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ data.

Trước xu thế phát triển mới của ngành viễn thông, các nhà mạng từ chỗ là một nhà cung cấp hạ tầng đơn thuần, giờ sẽ đóng vai trò mới khi trở thành nền tảng (platform) để hàng ngàn doanh nghiệp dựa trên đó phát triển dịch vụ, từ đó ăn chia lợi nhuận.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, chính các nhà mạng cũng là người tạo nên một số dịch vụ mới. Đó có thể là hạ tầng phần cứng, nền tảng cho nhiều người chơi hay một số dịch vụ quan trọng đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

“Đây chính là những xu thế mới đang nảy sinh trong ngành viễn thông thế giới. Nếu chậm chân và không nắm bắt được xu thế, ngành viễn thông Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trọng Đạt