Khi gặp các tình huống va chạm giao thông, túi khí là một trong những trang bị an toàn thường được nhiều người nhắc tới. Tuy nhiên, túi khí sẽ không đảm bảo đúng nhiệm vụ của chúng, tệ hơn là có thể gây ra nguy hiểm cho người ngồi nếu không sử dụng đúng cách.

Mới đây, một vụ tai nạn ô tô tại Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ 2 tuổi. Đứa trẻ ngồi trên đùi mẹ ở vị trí ghế phụ phía trước vào thời điểm xảy ra tai nạn. Bốn người lớn ngồi trên xe chỉ bị thương nhẹ, trong khi đứa trẻ không được may mắn khi bị túi khí phía trước ép vào mặt khiến đứa trẻ bị ngạt thở, dẫn đến tử vong.

Sự cố kể trên đã cho thấy nhu cầu cấp thiết của người dùng là phải đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ mỗi khi ngồi trên ô tô. Trên thực tế, không ít người chưa nhận thức được tầm quan trọng của ghế trẻ em hoặc cố tình phớt lờ sự an toàn để trẻ nhỏ ngồi ở những vị trí không phù hợp với chúng.

Cần chú ý an toàn khi có trẻ nhỏ ngồi trên ô tô

Trẻ nhỏ thường chưa có đủ nhận thức như người lớn, vì thế chúng thường chưa kiểm soát được những hành vi bình thường và không biết thế nào là nguy hiểm hay an toàn. Do đó, các bậc cha mẹ hoặc tài xế càng cần phải lựa chọn cho trẻ nhỏ ngồi đúng vị trí thích hợp.

011421 2 child sit front seat.jpg
Nhiều quốc gia hạn chế hoặc cấm trẻ em dưới 12 tuổi ngồi ở ghế hành khách phía trước. Ảnh: Safe Ride 4 Kids

Nhiều quốc gia nghiêm cấm trẻ nhỏ dưới 12 tuổi ngồi ở vị trí hành khách phía trước. Tại Anh, luật nước này chỉ cho phép trẻ nhỏ dưới 3 tuổi được ngồi ở vị trí ghế hành khách phía trước với hướng đặt ghế trẻ em quay về phía sau (ngược hướng xe chạy) trong điều kiện túi khí được vô hiệu hóa. Nếu túi khí hành khách phía trước vẫn ở trạng thái kích hoạt, điều này sẽ được coi là hành vi bất hợp pháp.

Tại Mỹ, các tổ chức nước này cũng khuyến cáo trẻ em nên được ngồi ở hàng ghế sau với ghế ngồi riêng biệt và có thắt dây an toàn cho đến khi 13 tuổi. Các quốc gia khác như Pháp, Nga cũng có quy định tương tự với mức độ tuổi thấp hơn từ 10-12 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu đến từ trang bị túi khí cho hành khách phía trước chưa phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi.

Hiện tại, đã có hơn 100 quốc gia đã đưa ra quy định về ghế ngồi riêng khi trẻ em ngồi trên xe cá nhân. Đơn cử như ở khu vực Đông Nam Á, Singapore bắt buộc phải có ghế riêng cho trẻ em dưới 1,35m. Malaysia áp dụng ghế ngồi riêng cho trẻ dưới 12 tuổi và cao dưới 1,36m và Philippines là dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,5m.

Từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi hoặc cao trên 1,35m, trẻ em có thể dùng dây an toàn dành cho người lớn với điều kiện sử dụng thêm đệm nâng. Dây an toàn trên xe vốn được thiết kế để dành cho người lớn, nên phần dây chéo có thể chèn vào cổ, gây ngạt thở cho trẻ trong trường hợp xảy ra tai nạn do sự hạn chế về kích thước cơ thể của trẻ nhỏ.

Tại sao trẻ nhỏ được khuyến cáo ngồi ở hàng ghế sau?

Ghế trẻ em thường được đặt trên ghế của xe và được gắn chặt vào ghế bằng các điểm neo và giá đỡ đặc biệt ISOFIX. Việc hạn chế lắp ghế trẻ em ở khu vực túi khí trước là lý do tại sao chúng thường được tìm thấy ở trên hàng ghế sau của hầu hết các xe con và SUV ngày nay.

ISOFIX Duo Plus.jpg
Thiết bị an toàn như ghế trẻ em đặt ở phía sau giúp giảm 14% nguy cơ chấn thương so với ngồi ở phía trước. Ảnh: Skoda

Nhiều quốc gia còn khuyến nghị việc lắp ghế trẻ em ở vị trí chính giữa của hàng ghế sau bởi vị trí này giúp trẻ tránh được các túi khí, nhất là những xe được trang bị túi khí rèm cho hành khách phía sau. Ngoài ra, điều này còn giúp tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn khác khi xảy ra va chạm. Người lái xe cũng không bị mất tập trung khi trẻ nhỏ nghịch ngợm trên xe.

Tại Việt Nam, căn cứ Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô, không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (hàng ghế trước), trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế.

Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em, cụ thể là nôi trẻ em sơ sinh (< 2 tuổi), ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2 - 6 tuổi) và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6 - 10 tuổi). Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2026. Theo Sổ tay các biện pháp an toàn đường bộ, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương cho trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!