- Lâu nay, rất nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có bên sản xuất bằng giả bị xử lý hình sự, còn bên sử dụng bằng giả là vô can, hoặc tình huống xấu nhất là bị xử lý nội bộ, không thể thăng quan tiến chức trong các cơ quan nhà nước.
Chính suy nghĩ đó đã khiến nhiều người “vô tư” sử dụng bằng giả khi có nhu cầu mà không biết, hoặc phớt lờ việc mình làm là đang vi phạm pháp luật.
Bằng thạc sĩ giả |
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự quy định rất rõ ràng:
“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”.
Theo quy định tại khoản 1, hành vi làm bằng giả hoặc sử dụng bằng giả có khung hình phạt cơ bản là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm.
Nhưng cũng đừng lầm tưởng phạt tiền không phải là truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự quy định phạt tiền cũng là một hình phạt, người bị phạt tiền cũng được xem là có tiền án, được sử dụng để xem xét định khung, lượng hình khi tái phạm.
Khoản 2 và khoản 3 quy định khung tăng nặng.
Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung (phạt tiền) khi không áp dụng là hình phạt chính.
Như vậy, theo Bộ luật hình sự, người sử dụng bằng giả, ngoài bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, còn có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 7 năm. Bộ luật hình sự đã đánh giá việc sử dụng bằng giả cũng gây nguy hiểm cho xã hội như việc làm bằng giả khi quy định hai hành vi này trong cùng một điều luật với những khung hình phạt tương đương.
Nhưng có lẽ, chính cách xử lý có phần nhẹ nhàng của các cơ quan, tổ chức khi phát hiện cán bộ, nhân viên của mình sử dụng bằng giả, cũng như việc “vô tình bỏ lọt tội phạm”của các cơ quan tiến hành tố tụng đã góp một phần làm cho nạn bằng giả ngày càng phổ biến và công khai hơn.
Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Một giao dịch vi phạm pháp luật (mua bán bằng giả) thì các chủ thể của giao dịch đó, từ sản xuất đến sử dụng đều phải bị xử lý như nhau. Thế nhưng việc “chọn lọc” đối tượng để truy cứu trách nhiệm hình sự lại là một cách làm không công bằng và như vậy, tính giáo dục, răn đe sẽ bị giảm đi, thậm chí là phản tác dụng, đối với nhóm đối tượng còn lại.
Do đó, rất cần những kênh tuyên truyền hữu hiệu để những người đã và đang sử dụng, có ý định sử dụng bằng giả biết rằng không chỉ việc sản xuất bằng giả, mà cả việc sử dụng bằng giả cũng là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự chứ không đơn giản là “hạ cánh an toàn” như phần lớn những người sử dụng bằng giả hiện nay.
- Luật sư Nga Lê