Daniel Mthimkhulu (49 tuổi) gia nhập Cơ quan Đường sắt Hành khách Nam Phi (PRASA) từ năm 2000. Với sự nghiệp thành công, sở hữu mức lương 2,8 triệu ZAR/năm (khoảng 3,8 tỷ đồng), cựu kỹ sư trưởng Daniel Mthimkhulu từng được nhiều người ca ngợi.
Tuy nhiên, trong quá trình làm tại PRASA, anh lợi dụng việc dùng bằng giả để được thăng tiến nhanh. Do đó, hồi tháng 9/2024, Daniel Mthimkhulu đã bị tòa án Johannesburg (Nam Phi) tuyên án 15 năm tù với 9 tội danh. Trong đó, bao gồm cả tội gian lận và dùng bằng cấp giả.
Theo Business Insider, trong sơ yếu lý lịch anh khai man có bằng thạc sĩ của Đại học Witwatersrand (Nam Phi) và tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật ở Đại học Kỹ thuật Munich (Đức). Ngoài việc dùng bằng giả để được tăng lương và thăng tiến nhanh, tại phiên xét xử tòa án Johannesburg còn phát hiện, Daniel Mthimkhulu chỉ mới tốt nghiệp trung học.
Trước đó, năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương eNCA, Daniel Mthimkhulu cũng thừa nhận bản thân không có bằng tiến sĩ. Sau đó, anh không giải thích gì thêm, cố chấp cho rằng đã quen với danh xưng tiến sĩ Daniel Mthimkhulu và khẳng định điều này không ảnh hưởng đến ai, không gây thiệt hại.
Theo Lực lượng cảnh sát điều tra trọng án Nam Phi (DPCI), việc Daniel Mthimkhulu sử dụng bằng giả với mưu đồ được thăng tiến nhanh gây thiệt hại nặng nề cho Cơ quan Đường sắt Hành khách Nam Phi (PRASA), vì mức lương tăng đột biến từ 1,6 triệu ZAR/năm (~2,1 tỷ đồng) lên 2,8 triệu ZAR/năm (~3,8 tỷ đồng). Thậm chí, Daniel Mthimkhulu còn làm giả thư mời anh về làm việc của một công ty ở Đức, để yêu cầu PRASA tăng lương.
Với những sai phạm trên cộng với việc tham nhũng trong quá trình làm tại PRASA, ngoài bản án 15 năm tù, Daniel Mthimkhulu phải đền bù thiệt hại cho cơ quan này 5,8 triệu ZAR (~7,6 tỷ đồng). Liên quan đến mức án của Daniel, ông Seswantsho Godfrey Lebeya - người đứng đầu Lực lượng cảnh sát điều tra trọng án Nam Phi cho rằng, đây là hậu quả thích đáng cho những người cố tình gian lận.
Sau khi vụ việc của Daniel Mthimkhulu bị phanh phui, một người dùng Twitter cho hay: "Câu chuyện này là bằng chứng cho thấy một hệ thống quản lý yếu kém. Hiện nay, không nhiều công ty sử dụng hệ thống xác minh bằng cấp. Do đó, nếu điều tra chắc chắn sẽ phát hiện nhiều trường hợp tương tự đang dùng bằng giả để làm việc".