Đúc bàn chân, bàn tay em bé, đúc bụng bầu mẹ trẻ, đúc bàn chân, bàn tay các thành viên trong gia đình... Xu thế đúc tượng 3D lưu giữ kỷ niệm đang trở thành một trào lưu mới của gia đình Việt hiện nay.
Bước xuống xe taxi, cẩn thận bê ra một chiếc hộp được gói kín, chị Phạm Thị Ngọc Hoa ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) khoe đây là tượng đúc đôi bàn tay 3D của cô con gái đầu lòng vừa hoàn thiện, được chị cất công đến tận cửa hàng mang về.
Chị Hoa kể, cách đây một năm, khi tình cờ đến chơi nhà người quen, chị chứng kiến một cảnh tượng lạ: bạn chị đang cho con trai nhúng chân vào một chậu bột rồi nhanh chóng rút ra. Ngay sau đó, người đứng bên cạnh gói chậu bột lại rồi mang ra về.
Thấy tò mò, chị hỏi thử thì được biết, bạn chị vừa sử dụng dịch vụ đúc tượng chân, tay cho con tại nhà. Thành phẩm là bức tranh có tượng bàn tay, bàn chân của bé, mô phỏng lại y hệt hình dáng thật, từ kích thước cho đến dấu vân tay.
Đúc tượng các bộ phận cơ thể để lưu giữ làm kỷ niệm đang trở thành trào lưu tại Việt Nam |
“Tôi nhìn là mê ngay, nhưng không biết làm thế nào vì mình mới chỉ đang mang bầu, chưa sinh con. Nhưng liên hệ với bên cửa hàng thì họ cho biết còn đúc cả khuôn mẹ bầu nữa”. Ngay lập tức, hai vợ chồng chị quyết định đúc luôn tượng bụng bầu của chị với giá 2,5 triệu đồng.
Đến nay, gia đình chị có 4 bức tượng như vậy, bao gồm tượng bụng bầu của chị, tượng bàn tay của bố mẹ chồng năm nay đã ngoài 60 tuổi, tượng đôi bàn chân của con gái khi vừa chào đời và mới đây nhất, trong chiếc hộp là tượng đúc đôi bàn tay của con gái chị gần 10 tháng tuổi.
“Ba bức đầu thì tôi làm bằng chất liệu thường, giá khoảng 1,5-2 triệu đồng/bức. Riêng bức này tôi đầu tư làm bằng pha lê trong suốt có màu, giá gần 7 triệu đồng”, chị Hoa nói.
Cũng có một bộ sưu tập tượng đúc 3D bàn tay, bàn chân của các thành viên trong gia đình, anh Hoàng Ngọc Cẩn ở Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, anh đã chi gần 50 triệu đồng để đúc tượng chân tay cho cả nhà, bao gồm ông bà nội, bố mẹ, vợ chồng anh và cậu con trai vừa tròn 1 tháng tuổi.
Ngoài bộ phân tay, chân, nhiều người còn đúc cả bụng bầu |
Anh Cẩn tâm sự, anh vốn là “độc đinh” trong gia đình, cũng không có anh chị em nên sống chung cùng ông bà, bố mẹ. Vừa rồi, vợ anh sinh hạ con trai đầu lòng trùng vào lễ mừng thọ ông nội nên cả gia đình rất mừng. Không chỉ tổ chức tiệc lớn, anh Cẩn còn quyết định đặt làm một bức tranh tượng 3D với đầy đủ tượng bàn tay của các thành viên trong gia đình làm kỷ niệm, nhân dịp đầy tháng con trai.
“Tôi từng du học tại Mỹ và thấy người dân bên đó sử dụng dịch vụ đúc tượng 3D khá nhiều, như một cách lưu giữ lại kỷ niệm. Từ đôi tình nhân cho đến vợ chồng, con cái,... ”. Đặc biệt, ông bà nội ngoại của anh đều đã già yếu, việc đúc tượng chân, tay của ông bà lưu lại có ý nghĩa vô cùng lớn với cả gia đình.
Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Trần Thị Như Phương, chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ đúc tượng 3D các bộ phận cơ thể người có chi nhánh tại Hà Nội và Sài Gòn, cho biết, chị cung cấp dịch vụ này ra thị trường đã được 3 năm.
Có những gia đình còn chi từ 7-10 triệu đồng cho mỗi lần đúc tượng |
Theo chị Phương, trào lưu này không còn lạ lẫm tại các nước phương Tây như Anh, Úc, Mỹ,... nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam. Từng theo học một thầy giáo bên Úc, khi trở về Việt Nam, chị đã quyết định kinh doanh loại hình này.
“Có thể nhiều người không biết nhưng việc đúc bàn chân, tay 3D vào các dịp đặc biệt này có ý nghĩa rất lớn, nhất là đối với người già, trẻ em và các cặp vợ chồng mới cưới”. Chị nói thêm, không chỉ chân, tay, chị còn cung cấp dịch vụ đúc tượng bụng bầu, mông em bé,... giá dao động từ 1,5-2,5 triệu đồng với đúc thường hoặc 7-10 triệu đồng với đúc pha lê, thủy tinh màu.
Cụ thể, để làm ra một bức tượng, khách hàng sẽ nhúng chân, tay hoặc bộ phận muốn đúc trên cơ thể vào một chậu bột đặc biệt, vốn được dùng trong y tế nên rất an toàn. Chờ 1 phút cho bột đông rồi nhẹ nhàng nhấc tay, chân ra để tạo khuôn. Sau đó, một hỗn hợp bột đá đúc nhập khẩu từ Mỹ, Úc pha với nước được đổ vào khuôn, đợi 2-3 ngày cho khô cứng lại, xử lí sạch sẽ rồi sơn. Sau khi sơn 1 ngày, bức tượng khô lại hoàn thành.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chị Phương tiếp tục đặt tượng vào một chiếc khung hộp theo ý tưởng đã thiết kế từ trước, có lớp giấy đặc biệt bên trong chống ẩm, chống mốc.
“Tùy thuộc vào loại khung và kích cỡ của tượng mà mức giá dao động khác nhau. Nhiều người lúc đầu còn đắn đo, nhưng sau khi nhận được hàng thì lại hài lòng, tiếp tục tìm đến lần 2, lần 3. Do đó, mỗi tháng, tôi cũng tiếp từ 60-100 lượt khách”, chị khoe.
Minh Hiên