Phát biểu trong khi đang công du Warsaw, Ba Lan hôm 31/7, Ngoại trưởng Maas xác nhận, Berlin sẽ chính thức từ chối yêu cầu của Washington.
Một lính thủy đánh bộ Mỹ đang theo dõi tàu chiến Iran di chuyển qua eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters |
Theo báo RT, Mỹ đã đứng ra thành lập liên minh hàng hải cùng các đồng minh Anh và Pháp nhằm bảo vệ các hoạt động vận tải trên biển qua eo Hormuz và chống lại "sự gây hấn của Iran".
Động thái diễn ra sau khi các lực lượng Iran tiến hành bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh hồi đầu tháng này ở Vịnh Ba Tư. Sự cố được cho là hành động trả đũa của Tehran đối với việc Anh bắt giữ một tàu chở nhiên liệu của quốc gia Hồi giáo ngoài khơi Gibraltar vài tuần trước đó.
Giới phân tích nhận định, việc Đức từ chối hỗ trợ liên minh hàng hải do Mỹ đứng đầu có thể không gây ngạc nhiên. Lí do vì, yêu cầu tham gia của Washington đã trở thành chủ đề tranh cãi dữ dội ở Berlin. Các đảng đối lập thuộc cả phe cánh tả và cánh hữu Đức đều gây sức ép buộc chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel trả lời là "Không".
"Chúng ta phải tránh gây leo thang căng thẳng hơn nữa ở eo Hormuz. Đó luôn là quan điểm của chúng tôi", Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh. So với Mỹ và một số nước đồng minh khác, Đức đã có mối quan hệ tương đối hữu hảo với Iran kể từ những năm 1970.
Đức hiện vẫn tham gia thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký với Iran năm 2015, bất chấp việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương xé bỏ thỏa thuận này hồi tháng 5/2018.
Dù từ chối tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu, nhưng một số chính trị gia ở Berlin vẫn để ngỏ khả năng Đức tham gia bảo đảm an ninh hàng hải ở Vùng Vịnh dưới dạng khác. Norbert Roettgen, một thành viên thuộc đảng CDU của bà Merkel đề xuất châu Âu xúc tiến một sứ mệnh riêng, kể cả thiếu Anh nếu London quyết định gia nhập liên minh hàng hải của Mỹ.
Tuấn Anh