Đầu tuần này, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Berlin sẽ bắt đầu tái kiểm tra hộ chiếu dọc theo biên giới trên bộ trong ít nhất 6 tháng, bất chấp Hiệp ước Schengen (thỏa thuận về đi lại tự do giữa các nước châu Âu ký kết).
Tờ Der Spiegel hôm 11/9 trích dẫn một bức thư của Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser gửi Ủy ban châu Âu của EU cho biết: "Không quốc gia nào trên thế giới có thể tiếp nhận số lượng người tị nạn không giới hạn. Đức đang ngày càng đạt đến giới hạn về khả năng tiếp nhận, cung cấp nơi ăn chốn ở và chăm sóc người nhập cư. Các nguồn lực của liên bang và tiểu bang cho việc này gần như cạn kiệt và tạo nguy cơ quá tải cho phúc lợi chung".
Bà Faeser lưu ý, Đức rất lo ngại về “sự rối loạn ngày càng tăng của hệ thống Dublin”, một chương trình của EU yêu cầu quốc gia mà những người xin tị nạn nhập cảnh đầu tiên xử lý trường hợp của họ.
Berlin đang tìm cách gửi những người di cư đến các quốc gia dọc theo vành đai ngoài của khối như Bulgaria, Hy Lạp, Italia và Romania, nơi các yêu cầu tị nạn của họ đáng lẽ phải được xử lý. Hầu hết những người di cư từ bên ngoài EU đều tìm cách đến Đức, do các phúc lợi xã hội hào phóng của nước này.
Theo bà Faeser, lượng người nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức đang ở mức "không thể chấp nhận được và đáng lo ngại", lên tới 50.000 trường hợp trong 7 tháng đầu năm nay. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng lập luận, "các mối đe dọa đối với an toàn và trật tự công cộng", ví dụ như các vụ tấn công bằng dao và phạm tội bạo lực của người nhập cư, đòi hỏi nhà chức trách phải tái áp dụng các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới.
Mặc dù liên minh của Thủ tướng Scholz không muốn từ chối tất cả người tị nạn, viện dẫn những lo ngại về mặt pháp lý, nhưng một trong các đảng đối lập lớn nhất nước đã ủng hộ cách tiếp cận như vậy. Phát biểu tại Quốc hội Đức hôm 11/9, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) Friedrich Merz khẳng định, việc đóng cửa biên giới vừa được pháp luật cho phép, vừa “cần thiết về mặt chính trị” trong tình hình hiện tại.