Theo New York Times, trên trang Facebook cá nhân,Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết đã thảo luận
với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng thời
đưa ra tuyên bố: “Trên cơ sở nhu cầu hiện tại, trong trường hợp này, Áo và Đức
đồng ý cho phép người tị nạn được đi tiếp vào quốc gia mình”.
|
Người tị nạn cầm ảnh chân dung của Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters) |
Các quan chức Áo cũng cam kết sẽ làm những điều có thể, ngoài ra sẽ điều động cảnh sát và các tổ chức tình nguyện như Hội Chữ thập đỏ để việc tiếp nhận người tị nạn được liên tục và an toàn.
Tuyên bố của ông Faymann được đưa ra sau khi Hungary bắt đầu điều động 40 chuyến xe buýt đưa dòng người tị nạn đến biên giới Áo như họ đã yêu cầu.
Chánh văn phòng Nội các Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Janos Laza cho biết, quyết định này được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp của các quan chức hàng đầu Hungary vào ngày 4/9 bởi lý do nhân đạo và để giảm tải sức ép đối với hệ thống giao thông quốc gia.
Trước đó, ngày 4/9, Hungary ban hành một loạt đạo luật mới nhằm kiểm soát tình hình khủng hoảng di cư hiện nay, Reuters đưa tin.
Theo đạo luật này, mọi hành vi vượt hoặc phá hoại hàng rào biên giới đều phạm tội hình sự, đặc biệt, người nào trèo qua hàng rào mới được dựng ở biên giới Hungary và Serbia sẽ bị phạt đến 3 năm tù giam. Đạo luật khẩn cấp cũng trao thêm quyền lực cho cảnh sát và quân đội trong việc vận hành khu vực giam giữ và trại nộp đơn đăng kí xin tị nạn tại cửa khẩu biên giới.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết trong một tuyên bố: “Nếu chúng ta không bảo vệ biên giới của mình, hàng chục triệu người di cư sẽ tiếp tục đến châu Âu. Cho phép tất cả mọi người vào lãnh thổ sẽ đưa đến cái kết cho châu Âu. Chúng ta có thể thức dậy vào một buổi sáng và nhận ra mình là thiểu số trên chính lục địa này”.
Số liệu mới nhất từ Cơ quan Tị nạn LHQ cho thấy, số người vượt biên vào Hungary đã lên đến mức kỉ lục là 3.300 người vào ngày 3/9. Từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 320.000 người tị nạn và di cư, trong đó hơn 2.600 người đã thiệt mạng khi tiến vào biên giới các quốc gia châu Âu, chủ yếu bằng một tuyến đường biển qua Địa Trung Hải đến Hy Lạp và Italy.
Lan Phương