Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia trên Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử. |
Tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia được tổ chức chiều ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng; Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan; chuyên viên Nguyễn Đình Lợi, bộ phận văn thư VPCP đã thực hiện quy trình trình ký, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia trên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Sau khi Quyết định phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bằng chữ ký số, văn thư Văn phòng Chính phủ thực hiện quy trình phát hành, gửi văn bản qua Trục liên thông văn bản quốc gia tới các bộ, ngành, địa phương, cơ quan.
Xây dựng Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia là một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao trách nhiệm cho VPCP chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện với yêu cầu về thời hạn hoàn thành là trong tháng 3/2019.
Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia được xây dựng với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công.
Theo Đề án, Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Cổng Dịch vụ công quốc gia có chức năng cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện TTHC, dịch vụ công; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đánh giá sự hài lòng và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và một số chức năng kỹ thuật khác của hệ thống.
Mục tiêu chung của Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia là nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia đặt mục tiêu cụ thể là hoàn thiện thể chế cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng để thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá TTHC, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.
Bên cạnh đó, thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ (100%) các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, cung cấp nền tảng xác thực điện tử dùng chung để cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập một lần (SSO) khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các Hệ thống thông tin một cửa, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Nền tảng xác thực này đạt mức độ đảm bảo cao theo tiêu chuẩn quốc tế (mức độ 3, 4) và có thể được áp dụng cho các hệ thống khác như Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Hệ thống thông tin tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, Hệ thống báo cáo quốc gia…
Đề án cũng đặt mục tiêu cung cấp, tích hợp 500.000 tài khoản trong năm 2019; 1 triệu tài khoản trong năm 2020 và đạt tối thiểu 8 triệu tài khoản trong năm 2023; hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong quản lý thông tin, hồ sơ giấy tờ theo nguyên tắc thông tin, hồ sơ chỉ cần cung cấp một lần và được tái sử dụng trong các lần thực hiện dịch vụ công trực tuyến tiếp theo.
Văn phòng Chính phủ cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan này thời gian tới là xây dựng, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các Cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” được ban hành ngày 7/3 vừa qua, Chính phủ đã giao VPCP chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, với các nhiệm vụ cụ thể gồm: Xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, các Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, đưa vào vận hành trong tháng 11/2019 và tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020-2025; Xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, tổ chức thực hiện kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua cơ chế đăng nhập một lần từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020 và tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025.
Trong phát biểu tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong quý IV/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được khai trương, đưa vào vận hành.
Văn phòng Chính phủ cũng cho hay, Cổng Dịch vụ công quốc gia khi đi vào vận hành sẽ mang lại một số lợi ích như: đảm bảo công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tra cứu, tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công; cung cấp, hướng dẫn công khai thông tin TTHC đảm bảo chính xác và thống nhất trên cơ sở tích hợp phát triển, nâng cao Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.