|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng (thứ ba bên phải) cùng đại diện các doanh nghiệp viễn thông bấm nút khánh thành trạm cập bờ tuyến cáp quang biển AAG tại Vũng Tàu ngày 27/11. Ảnh Hồng Loan. |
AAG (Asia America Gateway) là tuyến cáp quang biển có chiều dài 20.000 km kết nối trực tiếp từ khu vực Đông Nam Á tới Mỹ, đi qua các nước và vùng lãnh thổ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ.
Tuyến cáp này đã được đưa vào sử dụng từ ngày 10/11 với dung lượng 500 Gigabit/giây, dự kiến sẽ được cấp lên 2 Terabit/giây. Trong thời gian tới, AAG có thể sẽ được mở rộng phạm vi kết nối tới Australia, Ấn Độ, châu Âu và Châu Phi.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty viễn thông quốc tế (VTI) thuộc tập đoàn VNPT cho biết việc đưa hệ thống AAG vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng băng thông rộng ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng băng rộng như video, truyền dữ liệu và các dịch vụ đa phương tiện khác. Dung lượng của tuyến cáp có thể hỗ trợ cùng lúc 130.000 đường truyền tín hiệu truyền hình độ phân giải cao (HDTV). Đây cũng là tuyến cáp dự phòng cho các truyến cáp khác trong trường hợp xảy ra sự cố.
Tuyến cáp AAG bắt được khởi công vào tháng 4/2007 với tổng vốn đầu tư hơn 553 triệu USD, trong đó các công ty viễn thông Việt Nam (gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom và SPT) góp khoảng 90 triệu USD. Các thành viên còn lại tham gia tuyến cáp này gồm các công ty viễn thông AiTi (Brunei), AT&T (Mỹ), CAT (Thái Lan), PLDT (Philippines), REACH (Hồng Kông), StarHub (Singapore) và Telekom Malaysia (Malaysia).
Theo ông Khánh, tuyến cáp quang T-V-H (nối Thái Lan, Việt Nam và Hồng Kông) đến nay đã hoàn thành "vai trò lịch sử" và dự kiến sẽ được dỡ bỏ vào cuối năm nay.