Tiểu thương lên sàn điện tử bán nông sản
Nhận thấy tình trạng các chợ dân sinh bị tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh Covid-19, tiểu thương và các nhà cung cấp nhỏ lẻ mất đầu ra kinh doanh, tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ trung tuần tháng 7, Viettel Post đã thử nghiệm triển khai việc hỗ trợ các đối tượng này lên bán hàng trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Viettel Post Vũng Tàu, ban đầu các tiểu thương khá e ngại về việc đưa sản phẩm lên bán trên sàn điện tử khiến họ phải làm quen với phương thức mới, phải học cách đăng sản phẩm, tạo đơn, thanh toán trực tuyến…
“Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn, các tiểu thương tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhận thấy những ưu điểm của đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như được trang bị công cụ quản lý đơn hàng và hoạt động kinh doanh, đặc biệt là có một đầu ra mới tiếp cận với hàng trăm ngàn khách hàng tiềm năng tại địa phương”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Từ những kết quả tích cực có được trong thời gian thử nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cuối tháng 8, tại cuộc họp trực tuyến của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Tổ công tác đặc biệt miền Nam, Viettel Post đã đề xuất nhiều phương án nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu hàng hóa tại TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam đang giãn cách, trong đó tập trung vào mục tiêu hỗ trợ đưa các tiểu thương lên sàn thương mại điện tử.
Các tiểu thương cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề khi các chợ dân sinh phải từng ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (Ảnh: hcmcpv.org.vn) |
Theo đại diện Viettel Post, việc các chợ dân sinh tại nhiều địa phương phải đóng cửa theo quy định giãn cách khiến các tiểu thương bị tồn nghẽn nông sản, không thể tìm thấy đầu ra; đồng thời cũng tạo thêm áp lực tiêu thụ hàng hóa cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa của người dân cả nước nói chung và người dân các tỉnh, thành miền Nam nói riêng không hề giảm bớt. “Vì thế, việc đưa tiểu thương tại các chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử là một bước đi phù hợp”, đại diện Viettel Post nhận định.
Nhấn mạnh các tiểu thương cũng là một đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, đại diện Viettel Post phân tích: Triển khai mô hình đưa tiểu thương lên sàn, số hóa các chợ dân sinh sẽ không những giúp đảm bảo đầu ra cho các tiểu thương, mà còn tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để sàn thương mại điện tử cung ứng cho người dân cả nước. Đây cũng là cơ hội để Viettel Post có thể tiếp cận đến người bán hàng tại các chợ dân sinh, đưa những sản phẩm chất lượng lên sàn Vỏ Sò.
Chia sẻ cụ thể về phương án triển khai, đại diện đơn vị cho hay, sàn thương mại điện tử sẽ vừa là kênh thu mua, kênh quảng cáo và kênh bán hàng giúp cho các tiểu thương tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng tiềm năng trên cả nước.
Nhân viên sàn thương mại điện tử sẽ đến tận nơi tiếp xúc với bà con tiểu thương, triển khai các hoạt động hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ đăng ký tài khoản trên gian hàng điện tử, đưa sản phẩm lên sàn và tiến hành kinh doanh trên môi trường số.
Hướng tới hình thành “chợ dân sinh trực tuyến”
Đề xuất của Viettel Post về việc đưa tiểu thương và chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử đã được Tổ công tác đặc biệt miền Nam, Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương đánh giá cao.
Ngay sau đó, Sở Công Thương 18 tỉnh miền Nam đã chuyển danh sách các tiểu thương, nhà cung cấp trên địa bàn đến Viettel Post để đơn vị này liên hệ tiếp xúc, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Việc các tiểu thương tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử sẽ biến sàn trở thành “chợ dân sinh trực tuyến”. |
Trao đổi với ICTnews ngày 4/9, đại diện Viettel Post cho biết, tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hiện Viettel Post đang vận động, hướng dẫn các tiểu thương đưa sản phẩm lên sàn điện tử để tạo thành “chợ dân sinh trực tuyến”.
Chợ này có thể kết nối cả người bán và người mua trên cùng một kênh, đảm bảo sự lưu thông của hàng hóa, vừa mở một đầu ra cho người bán nhỏ lẻ,vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm đa dạng của người mua. Qua đó, cũng góp phần giảm áp lực tại các điểm chợ, tránh tập trung đông người, đồng thời hỗ trợ công tác an toàn phòng chống dịch.
Song song với các hoạt động hỗ trợ tiểu thương lên sàn, tại cuộc họp trực tuyến của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Tổ công tác đặc biệt miền Nam vào cuối tháng 8, đại diện Viettel Post cũng đã bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp bưu chính lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn trong phạm vi nội tỉnh hoặc liên tỉnh, nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa cho người dân các vùng dịch.
Về nguồn lực để triển khai việc đưa tiểu thương lên sàn thương mại điện tử, hiện Viettel Post có 5.500 xe tải thuộc nhiều chủng loại khác nhau, 74.000 xe máy và hơn 26.000 cán bộ nhân viên trên toàn quốc. Trong đó, trên 75% cán bộ nhân viên đã được tiêm vắc xin. Riêng tại TP.HCM và 18 tỉnh miền Nam, con số này lên tới 90%, đảm bảo an toàn sức khỏe cho đội ngũ CBNV trước dịch bệnh.
Vân Anh
Trong 3 ngày, người dân TP.HCM đặt 36.000 đơn thực phẩm qua gian hàng “Đi chợ online”
Trong ngày 2/9, hệ thống của sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã ghi nhận có thêm 11.000 đơn hàng phát sinh, nâng tổng số đơn hàng thực phẩm được người dân TP.HCM đặt trên sàn này sau 3 ngày mở gian hàng “Đi chợ online” là 36.000.