Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Lượng sầu nước này nhập khẩu không ngừng tăng qua các năm. Riêng năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng, tổng trị giá 4,03 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017.
Sầu riêng Thái Lan "phủ sóng" tại Trung Quốc nhiều năm nay. Nhờ đó, nông dân xứ chùa Vàng thu về vài tỷ USD/năm. Song, từ giữa tháng 9/2022, Việt Nam bắt đầu đưa sầu riêng sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Thái Lan có thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường này.
Từ đó đến nay, đơn hàng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bùng nổ, có thời điểm cung không đủ cầu, tiền thu về tăng đột biến. Năm 2022, sầu riêng đem về 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm 2021. Đây cũng là năm quả sầu riêng lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng nước ta đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, chi tới 477 triệu USD nhập sầu riêng Việt, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đang đẩy mạnh thu mua để trả đơn hàng chục ngàn tấn, hàng ngàn container mà đối tác Trung Quốc đặt trước đó. Chuyên gia dự báo, với tốc độ xuất khẩu sầu riêng như hiện tại, năm 2023, loại quả đặc sản này có thể giúp nước ta thu về 1,5 tỷ USD.
Sự đổ bộ của sầu Việt vào thị trường Trung Quốc khiến người Thái bất an. Tháng 3, khi chính thức bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, Thái Lan quyết định nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái.
Theo chuyên gia bảo vệ thực vật, chất khô trong quả tăng thì nước ít đi. Như vậy quả sầu riêng sẽ chắc và ngon hơn. Đây là một động thái của Thái Lan nhằm giữ chân người tiêu dùng Trung Quốc.
Nước này cũng mở tuyến vận chuyển đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc để đưa sầu riêng sang Trung Quốc trong khoảng thời gian nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.
Theo Terapong Techasathian, trợ lý Giám đốc Điều hành tại Pan-Asia Silk Road Ltd (PAS), ngày 23/4, công ty đã lập kỷ lục khi vận chuyển 25 container sầu riêng từ Thái Lan đến Trung Quốc qua tuyến Map Ta Phut - Quảng Châu. Chuyến tàu đến đích trong 4 ngày rưỡi, nhanh hơn dự tính ban đầu là 6 ngày.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaiisri cho hay, quốc gia này đã xuất khẩu 470 ngàn tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tăng vọt là nhờ việc khai thác tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung nằm trong hành lang thương mại biển - đất liền quốc tế mới.
Nhờ đó, giảm thời gian vận chuyển trái cây sang Trung Quốc từ 8-10 ngày xuống chỉ còn hơn 4 ngày, vừa giảm được giá thành lại hạn chế tối đa hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giúp Thái Lan thu về khoảng 3,5 tỷ USD năm ngoái. Song, Thái Lan cũng chịu áp lực khi sầu riêng Việt thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc.
“Mình có lợi thế về vị trí địa lý nên đưa sầu riêng sang Trung Quốc chỉ mất 1,5 ngày. Nhưng nay Thái Lan cũng rút ngắn còn 4 ngày chứng tỏ họ rất cố gắng để tăng tính cạnh tranh với hàng Việt”, ông nói.
Theo ông Nguyên, vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt với Thái Lan là ưu việt vì tiết kiệm được thời gian và chi phí. Còn với Việt Nam, đường bộ có ưu thế hơn do chi phí đầu tư container lạnh thấp hơn so với đường sắt (đầu tư container lạnh và máy phát điện đi kèm). Thế nên, đi đường bộ một ngày có thể huy động vài trăm container lạnh vận chuyển sầu lên các cửa khẩu phía Bắc xuất sang Trung Quốc một cách dễ dàng, nhưng với đường sắt thì việc làm được như vậy là quá khó.
Ông nhìn nhận, sức tiêu thụ sầu riêng tại thị trường Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng mạnh, dự báo lên 2 triệu tấn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cùng với đó, cuộc đua đưa loại quả này vào Trung Quốc cũng khốc liệt hơn, bởi không chỉ có Thái Lan, sầu riêng Việt còn phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Malaysia, Philippines.
Do đó, ngoài đáp ứng các vấn đề về an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc, nước ta cũng cần có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sầu riêng xuất khẩu giống Thái Lan đang làm. Đồng thời, chú trọng vấn đề giống, thương hiệu sản phẩm.
Trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng gợi ý, cần nghiên cứu ra những giống sầu riêng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài xuất bán quả tươi, cần tính đến xuất khẩu sầu múi (sầu đã tách vỏ) như vậy vận chuyển sẽ dễ dàng hơn.