Cuối tháng 6, Công ty TNHH Ẩm thực KAfe  bị 2 đối tác tố cáo về việc chiếm dụng vốn kinh doanh, chây ì không thanh toán các khoản nợ hàng tỷ đồng. Việc vận hành một chuỗi cà phê không phải là điều đơn giản đối với những thương hiệu mới nổi, điển hình như KAfe.

Phát triển quá nóng

Với một doanh nghiệp non trẻ như The KAfe, món nợ tiền tỷ là không hề nhỏ. Ngoài ra, những ảnh hưởng tiêu cực từ vụ việc này khiến The KAfe sẽ còn thiệt hại hơn nữa.

Được thành lập vào năm 2013, KAfe Group là chuỗi café phục vụ đồ ăn lai Âu - Á đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ trong 2 năm, KAfe đã hình thành nên chuỗi nhà hàng ẩm thực The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box. 

Không chỉ vậy, KAfe còn gọi vốn đầu tư nước ngoài 5,5 triệu USD và còn dự kiến IPO tại Hong Kong trong thời gian tới. KAfe hiện đang sở hữu 20 nhà hàng tại những vị trí trung tâm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, KAfe đã nhanh chóng bị cạnh tranh khi hàng loạt quán cafe, nhà hàng cũng mở ra với mô hình tương tự. Nhiều khách hàng trẻ tuổi có tiền đã có nhiều sự lựa chọn hơn khi các start-up lĩnh vực này xuất hiện ngày một nhiều.

{keywords}
Kinh doanh cà phê chuỗi không phải là điều dễ dàng

Giám đốc The KAfe từng thừa nhận trên báo chí rằng, mở rộng nhanh sẽ khiến gặp khó khăn về quản trị. Trước kia nếu như lãnh đạo doanh nghiệp chỉ quản lý 2 cửa hàng thì đến nay quản lý 20 cửa hàng khác nhau với khoảng 500-600 nhân viên. 

Đồng thời, lúc này chị không còn là người duy nhất vận hành, phòng ban mở nhiều, nuôi nhiều nhân viên. Trong khi đó, có nhiều cửa hàng có thể không còn đông khách như xưa. Cũng vì vậy, doanh nghiệp đang dừng lại sau một thời gian phát triển liên tục để ổn định lại bộ máy vận hành của mình.

Kinh doanh cà phê chuỗi không phải là miền đất hứa. Sau quãng thời gian bùng nổ của cả thương hiệu trong nước và quốc tế, thị trường cà phê chuỗi có dấu hiệu đi xuống.

Cuối năm 2013, chủ của cà phê Tonkin đã gặp khủng hoảng khi mở rộng và vay nợ quá nhiều. Xuất phát điểm là một quán cà phê nhỏ hoạt động theo mô hình gia đình, nhưng nhờ có hương vị riêng nên vào thời hoàng kim của mình, Tonkin Coffee đã nhân rộng tới 8 quán. Một công ty của Pháp đã từng định giá thương hiệu này khoảng 1 triệu USD. 

Sở dĩ Tonkin lao đao bởi họ phát triển quá nóng, dẫn đến nguồn lực bị dàn trải và áp lực lớn do gánh nặng nợ nần. Một trong những nguyên nhân chính khiến chuỗi quán cà phê có thương hiệu tốt ở Hà Nội gặp khó khăn, là chủ sở hữu mở rộng chuỗi quá nhanh trong thời gian ngắn.

Không là miền đất hứa 

Ngay cả tên tuổi lớn như Trung Nguyên cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt bằng tại nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố nhưng sau đó, nhiều quán Trung Nguyên đã dần phải đóng cửa. Ngay từ đầu, Trung Nguyên đã không nhắm tới việc thu lợi nhuận từ chuỗi cà phê. Bản thân ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng chia sẻ rằng, chuỗi cà phê chỉ đủ bù lỗ cho nhau và nhiệm vụ chính là để gia tăng hình ảnh cho thương hiệu Trung Nguyên.

Tên tuổi nổi danh đang cạnh tranh mạnh mẽ với Starbucks là Highlands Coffee thuộc Công ty cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI). Xuất hiện ở hầu khắp các tòa nhà lớn và trung tâm thương mại ở Hà Nội và Sài Gòn, án ngữ ở những vị trí ngoài trời thuộc hàng độc đắc. Tính đến thời điểm hiện tại. Highlands Coffee đạt mốc 100 quán cà phê trên toàn quốc.

Năm 2012, VTI  bán 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông cho Tập đoàn Jollibee với giá 25 triệu USD. Ngoài ra, Highlands Coffee còn được Jollibee cho vay thêm 35 triệu USD với lãi suất chỉ 5%. 

Một nhà phân tích nhận xét rằng mặc dù thị trường thực phẩm và nước giải khát Việt Nam đã được chứng minh là rất có triển vọng nhưng không phải là dễ dàng để kiếm tiền trên thị trường.

{keywords}
Thương hiệu ngoại cạnh tranh với các chuỗi trong nước

Thị trường không phải chỉ toàn màu hồng. Không ít chuỗi sau thời gian phát triển quá nóng đã phải thoái lui vì áp lực cạnh tranh là rất lớn. Nhìn lại thị trường cà phê chuỗi hiện nay, hình ảnh Starbucks (Mỹ), Gloria Jean’s Coffee (Australia), Coffee Bean & Tea (Mỹ), Illy (Italy), Dunkin’ Donuts (Mỹ),... đã dần thay thế một vài thương hiệu trong nước. 

Người tiêu dùng cà phê Việt Nam không còn chạy theo “tâm lý đám đông”, sính thương hiệu ngoại mà đã chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm cũng như phục vụ. Các nhà phân tích lưu ý rằng điều quan trọng nhất mà chủ sở hữu các chuỗi nhà hàng phải làm là nâng cấp quản lý để phù hợp với sự phát triển của cả chuỗi.

Ngay cả các nhà đầu tư đến từ nước ngoài có tiềm lực tài chính cũng phải chịu cạnh tranh gay gắt. Caffé Bene đến từ Hàn Quốc có kế hoạch trong vòng 5 năm sẽ mở khoảng 300 cửa hàng tại Việt Nam. Nhưng chưa đầy một năm, con số dự kiến đó đã giảm xuống còn 100 cửa hàng.

Duy Anh