Xác định sâm Ngọc Linh là cây “xóa đói giảm nghèo”, cây chủ lực của bà con người dân tộc thiểu số nên trong 5 năm trở lại huyện Tu Mơ Rông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp cùng phát triển cây sâm Ngọc Linh. 

Tính đến quý III/2023, tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt gần 1.800 ha; bước đầu hình thành chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm đối với sâm Ngọc Linh.

Trong số hơn 600 ha diện tích sâm Ngọc Linh mà toàn tỉnh Kon Tum phát triển được cho đến thời điểm này thì phần lớn diện tích nằm trên địa bàn xã Măng Ri. Trong đó, 2 công ty có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Nông lâm công nghiệp và dịch vụ Đăk Tô (được tỉnh công nhận là nguồn cung ứng giống sâm Ngọc Linh) đa phần nằm trên địa bàn Măng Ri.

W-samngoclinh.png
rong số hơn 600 ha diện tích sâm Ngọc Linh mà toàn tỉnh Kon Tum phát triển được cho đến thời điểm này thì phần lớn diện tích nằm trên địa bàn xã Măng Ri.

Xã Măng Ri nằm trong lòng chảo trên đỉnh núi Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Nơi đây có độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển. Khí hậu quanh năm lạnh giá, mưa nhiều phù hợp với nhiều loại dược liệu quý. Xã có 6 thôn, làng với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng, đồng bào Xê-đăng đã phát triển hàng trăm hecta sâm dây, hàng nghìn hecta sâm Ngọc Linh, góp phần đưa Măng Ri trở thành thủ phủ sâm Ngọc Linh của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng bào Xê-đăng còn trồng trên 260 ha cây cà phê, hơn 300 ha bời lời.

Hiện nay, chính quyền xã Măng Ri đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng của huyện Tu Mơ Rông để quảng bá, xây dựng xã Măng Ri thành vùng trọng điểm cây dược liệu địa phương. Vì vậy, huyện Tu Mơ Rông đang triển khai trồng mô hình sâm Ngọc Linh tại khu căn cứ Tỉnh ủy vừa để giữ nguồn giống, nguồn gien và vừa để phát triển du lịch. Khu vườn sâm Ngọc Linh này được giao cho xã Măng Ri chăm sóc, trông coi, quản lý và bảo vệ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum đã có dự án “Bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh” từ năm 2005. Dự án này được triển khai trên địa bàn 7 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei.

Mục tiêu của dự án, nhằm bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh, cung cấp giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng trong vùng dự án. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng và xem đây là cây xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, chính quyền cũng mong muốn bà con sẽ nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cây thuốc quý.

Việc Măng Ri trở thành thủ phủ sâm Ngọc Linh của tỉnh sẽ góp phần tích cực để tỉnh Kon Tum sớm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 10 nghìn ha với 100 triệu cây sâm Ngọc Linh; đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và trên thị trường thế giới.

Lê Thúy và nhóm PV, BTV