Công cuộc chuyển đổi số ở vùng cao đang được thực hiện từng bước từ việc thay đổi tư duy nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ của người dân, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền.
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%, kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT) của người dân còn chưa đồng đều, khi bắt tay thực hiện chuyển đổi số, huyện Bình Liêu xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng số cho người dân. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử, zalo… để đăng tải và chia sẻ nhiều tin, bài về các nội dung trong chuyển đổi số.
Các nhóm zalo triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số từ cấp huyện, cấp xã đến thôn, bản cũng duy trì hoạt động hiệu quả, thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, của huyện; các bài viết, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số. Huyện còn duy trì Tổ công nghệ số cộng đồng tại 86/86 thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện để trực tiếp hướng dẫn, từng bước hình thành kỹ năng và thói quen ứng dụng số cho người dân.
Nhờ tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện, chuyển đổi số đã và đang từng bước đi vào đời sống của người dân, đem lại nhiều tín hiệu tích cực.
Đến nay, toàn huyện đã có hơn 24.000 thuê bao di động, đạt hơn 75% dân số; trên 92% dân số trưởng thành đủ năng lực hành vi dân sự có thuê bao di động; gần 100% lượt khám chữa bệnh của người dân đã được áp dụng bệnh án điện tử và chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống dữ liệu BHYT; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 40%, giá trị thanh toán đạt trên 24 tỷ đồng; tỷ lệ người dân thanh toán tiền điện, nước, học phí không dùng tiền mặt có xu hướng tăng; 100% các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện học bạ và hệ thống quản lý hồ sơ điện tử…
Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Đức Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bình Liêu, cho biết: Huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục chú trọng vào công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chuyển đổi số; tăng cường tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ phụ trách CNTT; đăng ký các nội dung chuyển đổi số theo từng giai đoạn tới các cơ quan, đơn vị để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả đo đếm được trong từng ngành, lĩnh vực, đơn vị…
Đồng thời, tập trung dồn nguồn lực ưu tiên triển khai các nội dung chuyển đổi số có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, như cung cấp dịch vụ kết nối Internet băng rộng cố định cho 100% khu dân cư trên địa bàn; hoàn thành chỉ tiêu trên 80% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế; dịch vụ điện, nước, thu phí và lệ phí thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thành thực hiện cài đặt, kích hoạt và nâng cấp ứng dụng VNeID cho 100% người dân…
Cùng với Bình Liêu, huyện Tiên Yên cũng quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, phổ biến sâu rộng kỹ năng số tới người dân. Huyện duy trì hoạt động ổn định, có hiệu quả thực chất của 85 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng với thành viên nòng cốt là cán bộ, ĐVTN, hội viên các tổ chức… làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến ứng dụng CNTT; hướng dẫn nhân dân sử dụng các thiết bị CNTT, điện thoại thông minh và mạng internet trong đời sống sinh hoạt và sản xuất, trao đổi thông tin…
Là xã vùng cao có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Đại Dực (huyện Tiên Yên) gặp không ít khó khăn trên tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số. Với quyết tâm chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuyển đổi số gần gũi, thiết thực, phù hợp với điều kiện của người dân.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: Xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua xã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc chuyển đổi số đến với người dân thông qua nhiều hình thức như họp thôn, thông qua hệ thống loa truyền thanh...
Xã tổ chức tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; chỉ đạo đoàn thanh niên xã hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số trong cộng đồng dân cư.
Nhờ sự tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng, đến thời điểm hiện tại, không chỉ Đại Dực mà nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Tiên Yên, Bình Liêu nói riêng và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung đã thu về được nhiều đổi thay tích cực trong việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp chênh lệch về kiến thức, kỹ năng số giữa các vùng miền.
Theo Song Hà (Báo Quảng Ninh)