Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu.
Thủ tướng cho biết gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
“Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, có thể nói trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến đâu, ngành giáo dục mà trong đó các thầy cô giáo chính là lực lượng nòng cốt đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều thầy cô đã phát huy sáng tạo tìm mọi cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò.
Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục".
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người.
“Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo. Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng, học tập suốt đời, học mãi và cũng luôn là một nhà giáo dục nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang, cao quý này”.
Tại buổi gặp mặt, các nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của riêng mình.
Nỗ lực vượt khó
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay có hơn 1.900 cơ sở, từ các trường cao đẳng đến các trung tâm GDNN công lập và tư thục, mỗi năm tuyển sinh và đào tạo hơn 2 triệu người.
Trong những năm qua, GDNN Việt Nam đã và đang đào tạo hàng chục triệu công nhân kỹ thuật và người lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thầy Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai cho biết trong quản lý địa phương có hai mặt then chốt đó là: An ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thầy Đạt, hệ thống GDNN đã đóng góp một tỷ lệ khá lớn những người lao động có tay nghề, có việc làm ổn định, từ đó góp phần vào sự ổn định xã hội, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mạnh mẽ trong những năm qua.
“Ở khu vực miền núi phía Bắc với đặc thù là địa hình phân bậc và chia cắt mạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế - xã hội, khó khăn trong tiếp cận giáo dục và khoa học kỹ thuật tiên tiến, hệ thống dạy nghề bằng sự năng động sáng tạo, đã dời thành thị mang nghề đến với nông thôn. Các nhà trường GDNN đã tổ chức hàng nghìn lớp dạy nghề đến các làng, bản, vùng núi, vùng sâu và thành quả thu được thật đáng khích lệ” – thầy Đạt chia sẻ.
“Ngày hôm nay, đứng giữa dải đất biên cương nhìn những thành tựu mà người dân chúng ta đã đạt được như những mảnh vườn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những rừng cây xanh tốt không kém gì đất nước bạn; những công xưởng, những nhà máy, khu công nghiệp... chúng tôi không khỏi tự hào về sự sự thay đổi thần kỳ này.
Việc mang nghề đến nông thôn còn có một đóng góp không nhỏ giúp đồng bào ổn định kinh tế, giảm thiểu di cư tự do, giảm thiểu nạn phá rừng trái phép, người dân có thể yên tâm sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình và đặc biệt giúp cho hàng chục triệu người dân vùng núi có cuộc sống phát triển và ổn định”.
Thầy Đạt cho rằng để có được những thành quả như đã nêu ở trên là kết quả của sự quan tâm với chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với GDNN.
“Điều này được thể hiện bằng những nghị quyết, cơ chế chính sách để GDNN của chúng tôi khắc phục khó khăn, vươn lên ngày càng khẳng định vị thế của mình với bạn bè quốc tế và khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó cũng không thể không nói tới những gian lao vất vả của các thầy, cô giáo trong hệ thống GDNN đang ngày đêm tận tụy với công việc của mình.
Những cán bộ tuyển sinh phải trèo đèo lội suối, leo lên những con dốc núi dựng đứng để vận động tuyên truyền người dân. Hơn thế nữa, những cán bộ giảng viên đã gác lại những khó khăn bộn bề của cuộc sống để mang hết kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến với đồng bào, để gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và dạy nghề cho họ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong khi đó, thầy Nguyễn Khánh Cường, Trường CĐ Công nghệ Lilama2, tỉnh Đồng Nai thì cho biết đợt dịch vừa qua, tỉnh Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh, đặc biệt tại nhiều khu công nghiệp. Các học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các em năm nay tốt nghiệp. Việc học, dạy và đào tạo nghề cần thực hành mới có thể triển khai được.
“Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức dạy học “3 tại chỗ” để khắc phục những khó khăn, thể hiện được tinh thần cùng ăn, ở và hướng dẫn sinh viên học”.
Thầy Nguyễn Quốc Tuấn từ Trường CĐ Than - Khoáng sản cũng chia sẻ về những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ các trường nghề trên cả nước trong việc góp phần khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng lao động thời gian qua.
Những kiến nghị để nâng cao chất lượng GDNN
Trước những yêu cầu lớn lao từ thực tế đặt ra đòi hỏi GDNN của đất nước trong những năm tới cần đột phá mạnh mẽ để vươn lên đào tạo ra những cán bộ kỹ thuật có trình độ, kiến thức kỹ năng để phát triển kinh tế - xã hội, song hành cùng sự phát triển của đất nước, song hành cùng sự phát triển của dân tộc.
Thầy Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai, cho rằng GDNN, với đặc thù là đầu tư ban đầu lớn, chi phí đào tạo cao và người học phần lớn là những người khó khăn nên rất khó thu hút đầu tư tư nhân, trong nhiều năm nữa, đầu tư công cho GDNN vẫn là chủ đạo.
Vì vậy, thầy Đạt kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết 4 vấn đề.
Thứ nhất là quy hoạch mạng lưới các trường nghề phù hợp với Quy hoạch quốc gia, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong quy hoạch Quốc gia.
Thứ hai là xây dựng chiến lược đào tạo nghề quốc gia và các dự án thành phần, có cơ chế, có lộ trình chi tiết, có đích đến là người lao động Việt Nam giỏi nghề, có năng lực làm việc tốt trong và ngoài nước.
Thứ ba là xây dựng cơ chế cụ thể, chi tiết và thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực: Thành lập cơ sở GDNN; Tham gia đào tạo nghề cùng các trường nghề; Tuyển dụng lao động.
Thứ tư là ban hành Nghị định về đặt hàng đào tạo với những ngành nghề trọng điểm quốc gia, trước mắt, có cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học nghề trọng điểm với những đối tượng khó khăn.
Cũng theo thầy Đạt, các cơ sở GDNN đã và đang gặp những khó khăn không nhỏ trong hoạt động của mình: Chất lượng học sinh, sinh viên đầu vào còn thấp (chênh lệch xa so với đại học), điều kiện kinh tế của các gia đình có con em đi học nghề không tốt bằng những gia đình có con em đi học ở phân khúc giáo dục khác.
“Vai trò của GDNN tại nhiều địa phương còn mờ nhạt, nhưng chúng tôi chỉ coi những khó khăn đó như những thử thách mà chúng tôi kiên quyết phải vượt qua, để đưa GDNN của nước nhà bước lên những vinh quang mới, những đỉnh cao mới” – thầy Đạt khẳng định.
PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Lâm Đồng, cũng đề xuất một số giải pháp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
“Trong giai đoạn tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của Chính phủ, các cấp, ban, ngành, hệ thống chính trị cho GDNN, các thầy cô trong các trường GDNN trên cả nước, có những chính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện, bao trùm, đặc biệt là thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tình hình mới hiện nay.
Mong rằng chúng ta có những chính sách thu hút nhân tài, cũng như có những mô hình mới để phát triển các trung tâm đào tạo nghề quốc gia, hình thành hệ thống liên kết trong GDNN, để lực lượng lao động ngang tầm với khu vực và thế giới”.
Phương Chi
Kỹ năng ‘cắt tỉa hoa hồng’ giúp thầy giáo trẻ giành giải thưởng toàn quốc
Anh Hoàng Tiến Dũng sinh năm 1995 vừa giành giải Ba, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc 2021 với bài giảng kỹ thuật “cắt tỉa hoa hồng nâng cao” trong chế biến món ăn và đạt giải Nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc.
Cô giáo gần 30 năm lên lớp với... dùi đục
Gần 30 năm qua, cô Phạm Thị Thu Hương, giảng viên Trường CĐ Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản đã quen với việc đôi tay chai sần vì phải cầm dùi đục lên lớp hướng dẫn học sinh chạm khắc gỗ.
67 đội vào chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của học viên giáo dục nghề nghiệp
Sáng 25/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức khai mạc Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2021.
Cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản cho giáo dục nghề nghiệp
Việc phát triển, nâng cao năng lực, tăng cường áp dụng kỹ thuật công nghệ trong giảng dạy của đội ngũ nhà giáo và người đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế là rất cần thiết.