Phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn là tỉnh có đường biên giới quốc gia Việt Nam - Trung Quốc dài 231,74km, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ; cách Nam Ninh là thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc khoảng 230km, cách Thủ đô Hà Nội 150km, thuận lợi trong việc hợp tác, giao thương, phát triển kinh tế biên mậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại.

Xác định được tầm quan trọng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó xác định: “Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh” là Chương trình trọng tâm số 1 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

W-anhminhhoa-6.png
Một góc cửa khẩu Hữu Nghị

Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực cửa khẩu và sớm hình thành các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu: Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định ưu tiên bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa; một số dự án trọng điểm tập trung triển khai như hoàn thành dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; giai đoạn 1 dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; mở rộng tuyến đường xuất, nhập khẩu cửa khẩu song phương Chi Ma; mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng tại khu vực mốc 1119 - 1120 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị... Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 25-2-2021, của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại biên giới theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

Mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”; phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Đẩy mạnh kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới

Trong công tác xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, các ngành, lực lượng chức năng, các huyện biên giới và thành phố Lạng Sơn đã thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng phía Trung Quốc.

Ngoài ra, các đơn vị đã kết nghĩa Cụm dân cư hai bên biên giới với 11 cặp (9 cặp bản-bản, 2 cặp xã-trấn); triển khai mô hình Cửa khẩu kiểu mẫu tại cặp Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan; nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Chi Ma-Ái Điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thực hiện có hiệu quả nền tảng cửa khẩu số.

Thực hiện đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới, toàn tỉnh Lạng Sơn đã hưởng ứng mạnh mẽ, ủng hộ số lượng lớn kinh phí và vật liệu xây dựng. Đồng bào các dân tộc biên giới và cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng đã tham gia ngày công lao động, với hơn 26.000 lượt người. Tính đến hết năm 2023, tổng số tiền xã hội hóa, ngân sách của tỉnh, vật liệu xây dựng và ngày công lao động quy thành tiền trị giá hơn 35 tỷ đồng; xây dựng được 271 đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới với tổng chiều dài hơn 50km.

Các đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới là những công trình ý nghĩa thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; tạo thuận lợi cho nhân dân các thôn, bản giáp biên đi lại, canh tác, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống …

Xuân Quý và nhóm PV, BTV