2 trong số 38 bà mẹ hiến sữa đầu tiên cho Ngân hàng Sữa mẹ, Bệnh viện Nhi Trung ương là một nhân viên y tế của bệnh viện, người còn lại là mẹ của bệnh nhân đến khám tại bệnh viện.

BS Bùi Thu Hường, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, chị biết đến chương trình hiến tặng sữa qua fanpage của bệnh viện. “Tôi hiểu tầm quan trọng của sữa mẹ. Là mẹ của một em bé 4 tháng, tôi hiểu được tâm lý của những người mẹ khác khi không thể cho con bú sữa của mình. Vì vậy tôi đã hiến tặng sữa”, chị nói.

{keywords}
Chị Hải và số sữa của bản thân gửi tặng Ngân hàng Sữa mẹ

Việc hiến sữa đến với chị Nguyễn Thị Hải (Hà Nội) cũng rất tình cờ. Khi con được 2 tháng, vợ chồng chị đưa con đến bệnh viện để lấy máu gót chân.

2 ngày sau, chị quay lại bệnh viện để lấy kết quả. Lúc ngồi chờ bác sĩ, chị Hải đọc được slogan dán trên tường bệnh viện: “Mẹ có thể chỉ sinh ra một em bé nhưng mẹ có thể là mẹ của rất nhiều em bé khác”. Câu nói đã khiến chị chú ý.

Về nhà, chị tìm hiểu, gọi vào số hotline của bệnh viện và được biết đây là chương trình trao tặng sữa mẹ cho những em bé không được bú sữa mẹ. Mong muốn giúp các trẻ sinh non, chị Hải đã gửi hiến tặng sữa.

{keywords}
Rất nhiều trẻ sơ sinh không được ăn sữa mẹ đẻ với nhiều lý do bất khả kháng

Tại sân khấu của Lễ Khai trương Ngân hàng Sữa mẹ, Bệnh viện Nhi Trung ương, sáng nay, ngày 22/3, chị cũng gửi lời cảm ơn người chồng – đang bế con của họ trên khán đài, khi đã ủng hộ và đồng hành cùng vợ đem nguồn dinh dưỡng đến cho những em bé khác.

Họ là 2 trong số 38 người mẹ tham gia hiến nguồn sữa cho Ngân hàng Sữa mẹ – Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngân hàng hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng sữa của mình. Nguồn sữa hiến tặng này được các bác sĩ chọn lọc từ những bà mẹ khoẻ mạnh. Sau đó, sữa được xét nghiệm để sàng lọc nguồn sữa đủ chất lượng trước khi thanh trùng, bảo quản trong điều kiện vô khuẩn và chuyển đến trẻ em cần sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương.

{keywords}
Quy trình thu thập và bảo quản sữa mẹ hiến tặng khắt khe, đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho trẻ

Theo BSCKII Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau 4 tháng chạy thử nghiệm, Ngân hàng Sữa mẹ đã nhận được gần 800 lít sữa mẹ hiến tặng từ 38 bà mẹ – là các sản phụ có con đang điều trị tại bệnh viện. Ngân hàng đã cung cấp sữa mẹ sau khi thanh trùng cho 280 trẻ, trong đó có 20 trẻ bị nhiễm Covid-19 hoặc có mẹ bị nhiễm Covid-19 ốm nặng không thể cho con bú.

Nhìn con đang được điều trị tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Phượng (33 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, chị sinh non lúc 28 tuần tuổi, bé chỉ nặng 900g. Do mắc Covid-19, nên sau khi sinh chị Phượng chưa có sữa cho con bú.

“Tôi đã rất lo lắng khi không có sữa cho con bú, nhưng rất may mắn khi con chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương, con đã được các y bác sĩ chăm sóc và được ăn sữa mẹ từ Ngân hàng Sữa mẹ của Bệnh viện. Tôi cảm thấy rất vui và an tâm khi mặc dù không có sữa mẹ ruột nhưng con vẫn được ăn sữa mẹ”, chị Phượng chia sẻ.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và phòng chống bệnh tật. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong những tháng đầu đời, trẻ được bú mẹ có cơ hội sống cao gấp 6 lần so với những trẻ không được bú mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến sau 24 tháng có thể giảm hơn 800.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tương đương với 13% tổng số tử vong.

Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng may mắn được bú sữa của mẹ đẻ mình. Tại Việt Nam, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp, được ước tính 22,7% năm 2015 và 45,4% năm 2020 theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng.

Bác sĩ CK II Lê Thị Hà,  cho biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận, chăm sóc và điều trị 4500 – 5000 trẻ Sơ sinh bị bệnh nặng: sinh non, nhẹ cân, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh… cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu “dinh dưỡng điều trị”, hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Nhưng do trẻ được điều trị tại bệnh viện khác nên khi chuyển viện thường không có mẹ đi cùng  hoặc mẹ bị bệnh nặng cần điều trị tại bệnh viện sản… nên trẻ chưa có sữa mẹ kịp thời làm chậm quá trình dinh dưỡng đường ruột.

Các nghiên cứu cho thấy, sữa mẹ thanh trùng dùng thay thế tạm thời sữa mẹ đẻ khi chưa có sữa mẹ ruột, giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong vòng 28 ngày đầu đời, giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch tới 10 ngày so với sữa công thức.

Ngọc Trang