Tại sao cần chánh niệm trong doanh nghiệp?
Phong trào đưa “chánh niệm” trở thành một thành tố trong văn hóa doanh nghiệp trở thành một xu hướng có tính chất toàn cầu nhằm nâng cao năng suất lao động, quản lý tốt hơn những phiền nhiễu. Đồng thời, xử lý nhiều vấn đề phức tạp ở nơi làm việc, giúp các cá nhân tập trung vào thời điểm hiện tại, giảm lo lắng và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Bằng cách khuyến khích tư duy rõ ràng và cân bằng cảm xúc, chánh niệm nâng cao các kỹ năng thiết yếu như ra quyết định và giải quyết vấn đề. Thay vì khuyến khích làm nhiều việc cùng một lúc, chánh niệm ủng hộ sự chú ý tập trung, dẫn đến ít sai lầm hơn và kết quả tốt hơn, tăng cường khả năng sáng tạo và cải thiện kỹ năng ra quyết định.
Trong cuốn sách Lãnh đạo bằng chánh niệm (NXB Lao động), tác giả Palma Michel chia sẻ, nhiều trường quản trị kinh doanh như Harvard, Stanford, INSEAD, trường kinh tế Stockholm, LSE, Darden và trường kinh doanh NYU Stern đã đưa môn thực hành chánh niệm/khoa học về thiền vào chương trình đào tạo MBA hoặc các khóa học về kỹ năng lãnh đạo.
Các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs, Barclays, JP Morgan; các công ty đa quốc gia như General Mills, Apple, Google; các công ty thuộc FTSE 100 như Vận tải London hay Unilever và các công ty tư vấn, kiểm toán như McKinsey, Ernst & Young cũng bắt đầu giới thiệu các khóa học chánh niệm đến nhân viên.
Thêm vào đó, thành viên Quốc hội Anh và Mỹ thường xuyên nhóm họp để tổ chức các khóa học và thực hành chánh niệm.
Vậy chánh niệm là gì?
Về mặt lý thuyết chánh niệm là một phương pháp thực hành thiền nhấn mạnh đến việc tập trung vào trạng thái thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn ngay trong HIỆN TẠI. Chánh niệm chủ yếu được khai phóng qua việc thực hành thiền đơn giản, nhằm hướng tới nhận thức rõ ràng hơn về cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, đồng thời phát triển kỹ năng quản lý những điều này ở mức độ cao hơn và thấu hiểu hơn (Báo cáo Vương quốc Anh với Chánh niệm của APPG).
Trong hình thức thực hành thiền chính thống, chúng ta tập trung toàn bộ tâm trí vào việc thở, cảm nhận của cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc hoặc cảm giác. Khi đã huấn luyện sự tập trung bằng cách thiền, con người sẽ tạo ra được nhận thức tự chủ, cùng với đó là tăng cường những đức tính tốt như dũng cảm, chấp nhận, kiên nhẫn, tò mò, minh bạch, không phán xét, bình thản và nhân hậu.
Chánh niệm không đòi hỏi phải tách bạch bản thân khỏi cuộc sống hàng ngày mà ngược lại, khuyến khích mỗi người cảm nhận vạn vật theo cách khác đi.
Duy trì chánh niệm trong văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?
Để duy trì chánh niệm trong văn hóa doanh nghiệp cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo.
Theo tác giả Palma Michel, khi áp dụng chánh niệm vào lãnh đạo, chúng ta sẽ thấy 3 khía cạnh khác nhau cần giải quyết:
-Nhà lãnh đạo quản lý bản thân như thế nào?
-Nhà lãnh đạo tương tác và quản lý nhân viên như thế nào?
-Nhà lãnh đạo tạo ra thay đổi đối với toàn hệ thống như thế nào?
Một nhà lãnh đạo có chánh niệm không chỉ là người có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt mà còn là người có khả năng thấu hiểu, đồng cảm và kết nối sâu sắc với nhân viên của mình.
Đọc Lãnh đạo bằng chánh niệm, độc giả sẽ thấy rằng để duy trì chánh niệm trong văn hóa doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo mà cần sự tham gia tích cực của toàn thể nhân viên. Bằng cách tổ chức các hoạt động như thiền định, các khóa học về chánh niệm và tạo ra không gian làm việc yên tĩnh, doanh nghiệp có thể khuyến khích nhân viên thực hành chánh niệm một cách thường xuyên. Điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.
Hiện nay, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Jeff Weiner (LinkedIn), Marc Benioff (Salesforce), hay thậm chí cả những người nổi tiếng như Lady Gaga nhận ra giá trị to lớn của chánh niệm và áp dụng nó vào cuộc sống và công việc.
Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy chánh niệm không chỉ là một phương pháp cá nhân mà còn là một xu hướng tất yếu của thời đại, một chìa khóa quan trọng để đạt được thành công và hạnh phúc.
Hương Hà