Lời toà soạn:

Hiện cả nước chuẩn bị các phương án thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã).

Chính vì vậy, tổ chức bộ máy của cấp xã tới đây sẽ có nhiều thay đổi:

- Dự kiến cả nước sẽ giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã trong 10.035 đơn vị hiện nay.

- Cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay; được trao nhiều quyền hạn hơn và sẽ có trung tâm hành chính công.

- Một số cán bộ công chức cấp huyện, cấp tỉnh sẽ về xã.

- Sẽ thực hiện chế độ công chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã nhưng trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp sẽ thực hiện tinh giản cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

VietNamNet thực hiện loạt bài “Sáp nhập xã: Ai đi, ai ở?” ghi nhận những câu chuyện thực tế từ đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc ở cấp xã. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính thời gian tới.

Một ngày của tháng 4, ông Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch UBND một phường tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã chia sẻ câu chuyện sáp nhập xã từ góc nhìn của người có gần 20 năm công tác trong khu vực nhà nước.

Tốt nghiệp đại học, ông thi tuyển vào một phòng chuyên môn thuộc UBND TP Nha Trang, sau đó được điều động về công tác tại cơ sở. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND phường gần 5 năm nay.

Xã, phường trở thành trung tâm hành chính “mini” 

Theo ông Bình, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, phường là cần thiết. Ông đưa ví dụ, có những xã và phường chỉ khoảng 7.000-8.000 dân, diện tích không lớn, nhưng bộ máy lại đông, chi phí ngân sách cao. Trong khi đó, hiệu quả quản lý lại không rõ ràng.

W-1 xuan ngoc bien nha trang.jpg
Một góc TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Đơn cử, địa phương nơi ông đang công tác thời gian qua đã triển khai, hình thành được Trung tâm hành chính công cấp phường với mô hình “một cửa mở rộng”. Tại trung tâm này phục vụ lĩnh vực tư pháp, văn hóa, địa chính…, giúp tăng tốc độ xử lý và minh bạch hóa các quy trình khi người dân đến thực hiện các thủ tục.    

Ông chia sẻ: “Chúng tôi vận hành mô hình này tại phường. Khi các bộ phận về một nơi, có camera giám sát, người dân được ngồi chờ trong phòng máy lạnh, có màn hình lớn thông báo tiến độ, thì mức độ hài lòng tăng rõ rệt. Chỉ số cải cách hành chính của phường tăng vọt”.

Đồng thời, mô hình này cũng giảm thiểu nguy cơ tiêu cực khi không gặp trực tiếp, chỉ trả lời bằng văn bản và hồ sơ phải phù hợp danh mục. Các phòng ban phối hợp xử lý liên thông, rõ trách nhiệm. “Để vận hành hiệu quả, điều tiên quyết là chất lượng đội ngũ công chức xã, phường”, ông Bình nói.

Nên ưu tiên cán bộ trẻ, còn ít nhất 2 nhiệm kỳ

Về chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền cho xã và phường, ông Bình cũng như cán bộ ở địa phương đều ủng hộ. 

Theo ông, việc trao thêm quyền hạn, nhiệm vụ cho xã - phường là chủ trương đúng, phản ánh xu thế hiện đại hóa quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả thì đội ngũ cán bộ phải đảm bảo chất lượng.

Ông Bình phản ánh, công việc của công chức phường rất đa dạng, từ xử lý tranh chấp đất đai, xây dựng, khoáng sản, đến bắt chó thả rông, hòa giải mâu thuẫn gia đình lúc nửa đêm, tiếp nhận khiếu nại, lập hồ sơ, kiểm tra hiện trường…

Trong khi đó, nhân sự ở phường lại không nhiều. Tại địa phương ông Bình quản lý, hiện có 2 cán bộ địa chính nhưng phải xử lý hàng trăm hồ sơ đất đai, xây dựng. Có khi 2 ngày cuối tuần, cán bộ phải tăng cường làm kịp tiến độ tích hợp bảo hiểm,…

Thế nhưng, lương cán bộ, công chức xã - phường vẫn ở mức thấp, trung bình 6-7 triệu đồng/tháng. Với những người nuôi con nhỏ, lo cho cha mẹ già, cuộc sống khá chật chật vật, thiếu trước hụt sau. Là một chủ tịch phường, ông cho rằng, cần có chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ cơ sở, để họ an tâm công tác. Việc bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các cấp cũng cần hài hòa và không để anh em tâm tư. 

W-w trungtamhanhchinhcong 6 1 658.jpg
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc 

Đối với vấn đề sắp xếp nhân sự, ông Bình chia sẻ, việc đào tạo chính quy sẽ giúp cán bộ có nền tảng pháp luật, kỹ năng bài bản hơn. Do đó, cần kết hợp giữa trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tế và chú trọng đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

Ngoài ra, khi luân chuyển cán bộ về địa phương, cần chú trọng yếu tố “hòa nhập vùng miền”, nghĩa là người cán bộ cần hiểu phong tục, nếp sống, ngôn ngữ của cộng đồng để hành xử mềm mại, tránh “đụng chuyện là thành điểm nóng”. 

“Luân chuyển cán bộ phải hợp lý, chọn người từng kinh qua cơ sở, hiểu dân, nắm việc. Nên ưu tiên cán bộ trẻ, còn ít nhất 2 nhiệm kỳ để có thời gian học hỏi, phát triển, kế thừa lâu dài”, ông Bình nhấn mạnh. Theo ông, cán bộ cơ sở là người gần dân nhất. Họ hiểu thực tế nhất. Muốn cải cách hành chính đi vào thực chất, không thể xem nhẹ lực lượng này.

Đối với ông, gần 20 năm công tác, hiện giữ chức Chủ tịch UBND phường nhưng sắp tới có luân chuyển, hoặc thay đổi công việc, ông ủng hộ và luôn sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đừng để người ta nói cán bộ huyện xuống xã làm chưa chắc đã hay

Bây giờ thu gọn cấp xã như thế nào, tiêu chí như thế nào với mô hình kiến tạo phục vụ nhân dân, phải giải quyết được hết các yêu cầu của nhân dân.

Vừa rồi tôi nghe nói, bây giờ bỏ huyện đi, có địa phương đề xuất đổi tên quận thành phường, lại đưa nguyên bộ máy của quận xuống phường, thế là chống lại Nghị quyết rồi.

Đây là bỏ cấp huyện để gần với dân, sát thực tế với dân. Đề xuất như thế là bỏ cấp xã, phường, duy trì cấp huyện. Đừng để người ta nói rằng cán bộ huyện xuống xã làm chưa chắc đã hay bằng xã.

Bốn yếu tố cốt lõi không thể thiếu khi sáp nhập tỉnh

Bốn yếu tố cốt lõi không thể thiếu khi sáp nhập tỉnh

Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là bài toán địa giới, mà còn là thách thức trong sắp xếp nhân sự. Nếu không tổ chức tốt đội ngũ cán bộ giữa các địa phương, quá trình hợp nhất có thể gây xáo trộn và giảm hiệu quả quản lý.