Quy hoạch Bạc Liêu phát triển trên 3 trụ cột chính
Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bạc Liêu và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đáng chú ý, bản quy hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển dựa trên 3 trụ cột: Công nghiệp năng lượng tái tạo; Nuôi trồng, chế biến thủy sản; Du lịch. Là một địa phương có biển nên kinh tế biển sẽ đóng vai trò trụ cột của địa phương với những mục tiêu rất tham vọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020.
Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Như vậy có thể thấy, Bạc Liêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; Các đô thị cũng hình thành ven bờ; các ngành kinh tế cũng xoay trục quanh yếu tố biển.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên Bạc Liêu còn rất nhiều việc phải làm khi kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông - công nghệ thông tin sẽ phải gấp rút được đầu tư xây dựng; các trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản phục vụ nghề nuôi biển cũng phải được đầu tư nếu muốn trở thành trung tâm thức ăn chăn nuôi của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, các chỉ số như: Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả; môi trường đầu tư kinh doanh… sẽ phải cải thiện mới có thể thu hút được FDI cũng như nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh của tỉnh.
Hướng ra biển, làm giàu từ biển
Đáng chú ý, trong bản quy hoạch dài hơi này Bạc Liêu đã chỉ rõ phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng.
Cụ thể, Bạc Liêu sẽ tập trung phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch; sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Với ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, Bạc Liêu sẽ khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản. Tham vọng xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu.
Với lĩnh vực năng lượng xanh, Bạc Liêu hướng vào công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới; thu hút đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ. Tập trung phát triển điện gió ven bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (Hydro xanh, Amoniac xanh). Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo hàng đầu của cả nước từ năm 2030.
Về du lịch sinh thái, Bạc Liêu muốn hình thành các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đến năm 2030, tỉnh cũng sẽ quy hoạch xây dựng 17 đô thị “bám biển"; quy hoạch 5 vùng huyện với các lĩnh vực kinh tế xoay quanh yếu tố biển, gồm: Đông Hải, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Hồng Dân và Phước Long.
Cụ thể, vùng huyện Đông Hải (trọng điểm về tôm, thủy sản nước lợ, năng lượng tái tạo), lấy cảng cá Gành Hào là trung tâm. Vùng huyện Hòa Bình (phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản, năng lượng tái tạo), lấy Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW làm trục. Vùng huyện Vĩnh Lợi (phát triển lúa gạo, chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông sản), lấy logistics và cảng Trần Đề là cốt lõi.
Vùng huyện Hồng Dân (tập trung phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics), lấy Khu công nghiệp Ninh Quới là trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với vùng huyện Phước Long (tập trung sản xuất lúa gạo kết hợp với nuôi tôm, thủy sản nước lợ gắn với du lịch)…