Du Xuân Mậu Tý cùng chú chuột máy tính

ICTnews - Năm Mậu Tý, theo lịch của Việt Nam và một số nước châu Á, là năm mà linh vật chính là loài chuột. Và trong các thành viên của họ nhà chuột, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến con chuột máy tính...

Chú chuột máy tính đã trở thành người bạn thân quen của nhiều người Việt Nam. Ảnh: THANH HẢI   

“Loài chuột” này chào đời cách đây 40 năm tại Mỹ sau 5 năm thai nghén với cha đẻ của chúng là nhà phát minh Douglas Engelbart. Ban đầu, nó có tên là “bộ định vị x-y”, nhưng hình ảnh của nó với đoạn dây nối ra máy tính trông giống cái đuôi của loài gặm nhấm nên đã được người ta gọi là “chuột”. Sau này, có những bộ định vị thế hệ sau không mang hình dáng con chuột nữa nhưng người ta vẫn tiếp tục gọi chúng với cái tên âu yếm là “con chuột”. Có thể nói năm 2008 cũng là năm tuổi của con chuột máy tính ở Việt Nam và cũng thử nghĩ xem chú chuột máy tính đã có chuyến vi hành để du xuân Mậu Tý ra sao.

Hẳn rằng chú chuột máy tính đã trở thành người bạn rất đỗi thân quen của đội ngũ công chức, doanh nhân trẻ và HS-SV Việt Nam ngày nay. Với những người sử dụng máy tính xách tay, có thể họ chỉ cần đặt tay lên phím cảm ứng trên bàn phím (cũng gọi là chuột) để điều khiển con trỏ nhưng cũng không ít người không thích thú gì cách thức đó nên đã mang theo một chú chuột máy tính để dễ bề sử dụng. Tết này ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc rét quá nên nhiều chú chuột đã được theo chủ vào miền Nam tránh rét. Chú có thể cảm nhận điều gì giữa cái nóng ở Sài Gòn?. Quả là dễ chịu hơn hẳn! Thời tiết trên 30 độ nên có thể mặc áo sơ mi đi chơi ngoài đường, có thể còn có mưa chứ không phải ru rú ngồi nhà và không có việc gì làm để lại vào mạng xem họ nhà chuột cùng những chủ nhân của nó đang làm gì.

Thời đại CNTT đúng là có nhiều mới mẻ thật. Đến cả nhà văn cũng trở thành người bạn thân thiết của máy tính cùng loại chuột mới của họ. Và việc làm thơ, viết văn ngày nay là để đưa lên blog trên mạng cho thật nhiều người đọc chứ không phải là chép tay rồi truyền tay nhau và khá lắm thì được in để phát hành. Thậm chí, có nhà văn, nhà thơ còn để công dân mạng xem tác phẩm của mình chán chê rồi mới cho in ra thành sách. Chú chuột của nhà văn Võ Thị Hảo cho biết là bà chủ đã nói rằng CNTT đã xâm lăng vào mọi lĩnh vực. Tại sao lại có sự xâm lăng ấy? Vì chúng ta đang trống rỗng về CNTT và sự trống rỗng đó bao giờ cũng thu hút sự xâm lăng. Và nó cũng đem lại hiệu quả làm việc cho cả những thi sĩ vì ngày nay họ không còn mài mực nho để làm thơ nữa. Chính thứ công nghệ của nhà thơ đã xâm lăng CNTT chứ không phải họ bị CNTT xâm lăng. Cũng như công nghệ viết văn trên máy tính và dùng Internet để xâm lăng công nghệ mài mực và công nghệ viết tay vậy.

Đến nhà văn còn xài máy tính và chuột thì họa sĩ, kiến trúc sư đương nhiên cũng vậy. Trong năm nay, những bộ phim về đề tài lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ được khởi quay và được biết, CNTT lại là một công việc không thể thiếu, nhất là chúng ta không còn những bối cảnh xưa để có thể đưa vào phim. Vì thế, các hoạ sĩ và kiến trúc sư từ mấy năm nay đã lao vào cuộc dù chưa được ai đầu tư. Trong khi bản thân giới  sử học vẫn còn có nhiều tranh cãi về chuyện dựng cảnh lịch sử thì điều cần hơn lúc này là tất cả các giới điện ảnh, sử học, mỹ thuật, kiến trúc và CNTT phải ngồi lại với nhau để chia sẻ tư liệu và sử dụng công nghệ đồ họa cho công việc xây dựng những bối cảnh đó. Những cuộc tranh luận có thể tiếp diễn sau đó để chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn thay vì cứ phải thống nhất ý kiến hoàn toàn rồi mới bắt tay vào làm.

Đối với thế giới việc làm, hình ảnh đã xuất hiện trên các show quảng cáo truyền hình của Navigos cho thấy một con chuột máy tính bị tuột dây đã chạy khỏi tay người sử dụng để ra khỏi văn phòng và hành  trình đến tận trụ sở của trang web www.vietnamworks.com. Có thể thấy, mạng máy tính đã và đang là một công cụ giao dịch việc làm hữu hiệu của cả người lao động lẫn nhà tuyển dụng. Vì thế, hình ảnh trong show quảng cáo nói trên của Navigos có thể giải thích là không phải chú chuột máy tính mà ngay chính các nhân viên văn phòng cũng bị lôi cuốn bởi sức hút của nhà tuyển dụng với không chỉ mức lương hấp dẫn mà cả vì môi trường làm việc chuyên nghiệp trong đó, ứng dụng CNTT là yếu tố không thể thiếu.

Nhưng có lẽ du xuân, nối mạng chán chê thì chú chuột máy tính vẫn phải nhìn về “sân nhà” của mình. Đó chính là ở những ngôi nhà trong làng CNTT Việt Nam. Khoan hãy nói đến những con số tham vọng về phát triển công nghiệp phần mềm trước đây mà nay lại là xuất khẩu nhân lực phần mềm, chú chuột máy tính chỉ mong người chủ nhà và các thành viên ở đó hiểu được về mình cùng người bạn đồng hành là chị bàn phím. Nói một cách rộng hơn là đi sâu vào tiếng Việt trong môi trường máy tính bởi đó là điều mà đất nước này phải tự làm chứ khó lòng trông chờ những ông bạn nước ngoài được bởi đó là bản sắc của CNTT Việt Nam. Nhưng có lẽ, đây lại là điều không dễ kêu gọi bởi chẳng mấy ai chịu để ý cho song có lẽ điều đáng mừng đã hé lên khi trước thềm xuân Mậu Tý đã có 2 nhóm tác giả làm sản phẩm liên quan đến xử lý tiếng Việt trong môi trường CNTT. Hy vọng rằng trong năm nay, vấn đề này sẽ được xới lên và mổ xẻ để mọi người cùng nhìn vào.

Trịnh Nguyễn

  • Toàn bộ bài báo đã đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 15/2008