Mặc dù đầu tư CNTT vào ngành du lịch ở nước ta còn chậm hơn các nước lân cận nhưng cũng phần nào thay đổi được diện mạo của ngành du lịch trong mấy năm qua. CNTT được đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ trong tiếp thị, thương mại điện tử, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Nhiều điểm đến du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng công nghệ thông minh tạo sự trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến tham quan các điểm du lịch nổi tiếng. Điển hình như Hà Nội đã đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại di động với những ngôn ngữ thông dụng không chỉ tạo thuận lợi cho hành trình tham quan tìm hiểu di tích của du khách mà còn trở thành một phương tiện quảng bá du lịch và giáo dục lịch sử hữu hiệu.
Hà Nội cũng ra mắt trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ (www.hoankiem360.vn) giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và trải nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm thông qua công nghệ ảnh 360 độ. Cùng với đó, du lịch Thủ đô đã xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS, xây dựng Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội, phủ Wi-Fi miễn phí ở nhiều địa điểm công cộng như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sân bay quốc tế Nội Bài…
Khách tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám được dùng hệ thống thuyết minh tự động. Ảnh minh họa Internet |
Tại Ninh Bình, đầu năm 2018, Ninh Bình đã triển khai thực hiện hệ thống du lịch thông minh. Giai đoạn đầu tập trung vào xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, số hoá dữ liệu ngành du lịch và kết nối cơ sở dữ liệu du lịch với các lĩnh vực của các sở, ban, ngành, xây dựng kho dữ liệu về du lịch, tiếp thị bằng tin nhắn SMS dựa trên vị trí địa lý của khách hàng; wi-fi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du lịch... Cũng trong năm 2018, Sở Du lịch Ninh Bình đã chính thức khai trương Cổng thông tin du lịch (visitninhbinh.vn) và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động với tên gọi là “Ninh Bình Tourism” nhằm tạo thuận lợi cho du khách tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật về du lịch Ninh Bình.
Kiên Giang đã triển khai ứng dụng SafeCity tại Phú Quốc, khi khách du lịch đặt chân đến Phú Quốc cài đặt ứng dụng ngày sẽ nhận được các thông tin cần thiết miễn phí như: tìm phòng, địa điểm ăn, cảnh báo về an toàn, các địa chỉ nhờ hỗ trợ khi cần thiết…
Tiềm năng của ngành du lịch thông minh bắt đầu thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn, startup công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch số trong năm 2019.
Tập đoàn VNPT đã chính thức ra mắt ứng dụng du lịch thông minh mang tên VietNamGo, một kênh thông tin chính thống của ngành Du lịch Việt Nam.
Ứng dụng du lịch thông minh VietnamGo được VNPT xây dựng nhằm cung cấp các thông tin như: cẩm nang thông tin du lịch, cách thức đi lại, khí hậu từng vùng miền mà du khách lựa chọn, các điểm đến nổi bật, đặc sản theo địa phương, các món ẩm thực đặc trưng… Ứng dụng hỗ trợ hai ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh và tiếng Việt và hiện đã có cả phiên bản dành cho smartphone chạy Android và iOS.
Trước đó VNPT đã phối hợp với nhiều tỉnh thành để phát triển các cổng thông tin du lịch, du lịch trực tuyến để cung cấp thông tin về du lịch tại tỉnh tới du khách.
Tổng công ty VTC cũng đang tập trung nghiên cứu và phát triển ứng dụng thông minh iGuide trên di động để cung cấp cho các đối tác.
Trước đó, có thể kể đến một số dự án được triển khai khá thành công như: Ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ trong du lịch, các chương trình quảng bá du lịch quốc gia “Super Selfie” và #WhyVietNam thông qua sức lan tỏa rộng rãi của mạng xã hội và tiếp thị trực tuyến để tăng cường quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Truyền thông là một bước quan trọng để quảng bá du lịch. Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VTV triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh – VTV travel (dulich.vtv.vn) nhằm cung cấp các nội dung, thông tin một cách toàn diện tới người dùng, đem đến những trải nghiệm du lịch thông minh trong thời đại công nghệ số 4.0, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam.
Tại Việt Nam, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó Chỉ thị đã nêu rõ ưu tiên phát triển du lịch thông minh là một giải pháp để chủ động nắm bắt cơ hội và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành du lịch Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập trung phát triển du lịch thông minh được xem là hướng đi phù hợp của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. Để không tụt hậu trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cần phải tăng đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn để du khách có những trải nghiệm tốt nhất cho chuyến đi của mình.
Cùng với đó, chỉ riêng nỗ lực của ngành du lịch là chưa đủ, mà để phát triển thành công du lịch thông minh không thể thiếu sự kết nối và tham gia của các bên liên quan như hàng không, hải quan, xuất nhập cảnh, thuế, thương mại… nhằm tạo một hệ thống hạ tầng hiện đại, thân thiện, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch thông minh