Nguy cơ cháy do sử dụng xăng, dầu
Vào mùa nắng nóng, khô hạn, nhiều gia đình nông dân dự trữ xăng, dầu để phục vụ chạy máy bơm nước vào ruộng, tưới cây trồng. Nếu tích trữ trong các thiết bị chứa không phù hợp thì xăng, dầu dễ bị rò rỉ ra ngoài.
Ngoài ra, tại các hộ gia đình, xăng, dầu tích trữ thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh và không có thiết bị chuyên dụng bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, nên nguy cơ cao xảy ra cháy.
Ông Đinh Công Huy (ở Mê Linh, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi có sử dụng một số loại máy móc phục vụ làm nông nghiệp như máy bơm nước, phun thuốc, cắt cỏ, làm đất... Tất cả các loại máy này đều chạy bằng xăng, dầu. Do đó, tôi thường xuyên mua xăng, dầu để sẵn ở nhà.
Tôi thường đựng xăng, dầu trong các can nhựa, chai nhựa và để ở nhà kho. Có lần vì tôi sơ ý không vặn nắp chai cẩn thận nên xăng trong chai bị rò rỉ ra ngoài, may mà chưa có sự cố cháy xảy ra".
Ngoài nông dân thì những người sống ở địa bàn xa cây xăng, người làm công việc cần sử dụng nhiên liệu hằng ngày cũng thường tích trữ xăng dầu tại nhà.
Theo một chuyên gia phòng cháy, xăng dầu là chất nguy hiểm cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt. Nếu tích trữ xăng trong các can, chai nhựa… thì rất dễ dẫn đến hiện tượng vỡ, thủng dẫn đến xăng, dầu tràn ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, nhất là trong không gian kín, hẹp. Việc đem xăng về nhà tích trữ là vấn đề đáng lo, bởi vì nếu không có biện pháp phòng cháy nghiêm ngặt, sẽ rất dễ dẫn đến cháy nổ, cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo bộ tài liệu của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), xăng dầu, đặc biệt là xăng rất dễ bay hơi, kể cả khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, xăng vẫn hóa hơi, kết hợp với ôxy trong không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy, nổ.
Xăng dầu có thành phần cấu tạo khác nhau thì có đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy khác nhau. Trong đó, loại dễ cháy có nhiệt độ bắt cháy của hơi từ 45 độ C trở xuống (các loại xăng ô tô, máy bay); loại cháy được có nhiệt độ bắt cháy của hơi từ 45 độ C trở lên (dầu hỏa, dầu mazút).
Trong quá trình sử dụng xăng dầu, người dân cần lưu ý: Không để các phương tiện chứa xăng dầu gần khu vực nguồn điện, nguồn nhiệt, nguồn lửa; không sử dụng lửa trần (đánh diêm, bật lửa, đốt hương, nến) ở những khu vực có xăng dầu.
Người dân không nên dự trữ xăng dầu ở trong nhà, nếu cần thiết chỉ dự trữ lượng nhỏ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các thiết bị chứa xăng dầu để phát hiện và xử lý kịp thời nếu xăng dầu rò rỉ.
Xử lý khi xảy ra cháy xăng dầu
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, khi phát hiện ra sự cố cháy xăng dầu, người dân cần phải sử dụng các biện pháp chữa cháy phù hợp.
Đối với các đám cháy còn nhỏ, mới phát sinh cần nhanh chóng thông báo cho những người xung quanh được biết, đồng thời ngắt điện và sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu để dập tắt đám cháy như bình chữa cháy xách tay, cát.
Chữa cháy xăng, dầu bằng bình chữa cháy loại bọt, bột để dập tắt đám cháy như bình chữa cháy bột khô BC, ABC, khí CO2 hoặc bọt Foam.
Cát chữa cháy xăng, dầu cũng rất hiệu quả, do cát là vật có khả năng hấp thụ nhiệt rất tốt, ngăn cản đám cháy tiếp xúc với oxy. Dùng cát để ngăn không cho chất cháy chảy loang, đây là phương pháp đơn giản, hầu như ai cũng có thể sử dụng để dập tắt đám cháy.
Dùng chăn, màn chuyên thấm nước phủ hoàn toàn bề mặt của đám cháy để dập tắt đám cháy xăng, dầu. Đây là biện pháp rất thích hợp sử dụng cho những nơi có diện tích cần chữa cháy nhỏ hẹp.
Đối với các đám cháy lớn cần nhanh chóng di chuyển thoát nạn ra bên ngoài, báo động và gọi điện thoại cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (số 114).
Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ lưu ý, tuyệt đối không được sử dụng nước để dập tắt đám cháy xăng dầu, vì có thể làm đám cháy lan ra các khu vực khác, bùng phát cháy lớn hơn.