Mạng xã hội là kênh bán hàng thương mại điện tử có hiệu quả cao nhất. Ảnh minh họa: Internet |
Theo báo cáo của e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giai đoạn 2015 – 2018 là 25% và thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 33 tỷ USD vào năm 2025, nếu kịch bản này xảy ra thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt mức tăng trưởng trên 30%. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường đã lên tới 13 tỷ USD.
Báo cáo này cũng cho biết, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh, trước khi mua họ sẽ thu thập và tìm kiếm thông tin về sản phẩm để tham khảo cả từ hai nguồn online và offline. Có thời kỳ 4 trong 5 người tiêu dùng kết nối sẽ tham khảo các nhận xét về sản phẩm trên các kênh trực tuyến (chiếm tới 83%) và đặc biệt họ sẽ tìm kiếm các nhận xét trên mạng xã hội (74%) trước khi quyết định có mua sản phẩm đó hay không. Do đó, mạng xã hội là nền tảng trực tuyến có vai trò nổi bật trong việc kết nối người tiêu dùng với nhau. Mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất mà các doanh nghiệp sử dụng, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua wesite là 32%, qua ứng dụng di động là 22%.
Báo cáo cũng chỉ rõ, theo quy định pháp luật, các đơn vị sở hữu, quản lý mạng xã hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, trước hết phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động của mạng xã hội. Các doanh nghiệp mặc dù đã tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước về thương mại điện tử theo Nghị định về thương mại điện tử nhưng các đơn vị này lại chưa chú trọng tuân thủ trách nhiệm của đơn vị sở hữu, quản lý mạng xã hội, cũng như giám sát người bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Đáng chú ý nhất là mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam như Facebook, Google chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định về thương mại điện tử.
Tại Hội thảo về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử do Bộ Công hương tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 4 vừa qua, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng nêu ra những rủi ro mà người tiêu dùng gặp phải khi tham gia mua hàng qua thương mại điện tử. Thời gian qua thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của các đối tượng, dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng. Năm 2018, riêng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử phạt gần nửa tỷ đồng. Vụ việc điển hình mới đây nhất do lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ là đối tượng sử dụng website cá nhân bán các sản phẩm kích dục với giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các trường hợp vi phạm chủ yếu là không đăng ký, tập trung vào các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị, với đặc điểm của Internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh, mạnh như hiện nay.
Cùng với đó, cần xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...