Cụ thể, tại buổi họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm sáng nay (30/7), ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết, Bộ Công thương đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng “Made in Vietnam” tiêu thụ nội địa. Dự thảo này sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 8.
“Ông Trần Hữu Linh cho biết, thương mại điện tử đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt sẽ trở thành nơi ra các gian lận vì thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ, người mua người bán không gặp nhau trực tiếp, người mua không được xem hàng trước. Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 398 Quốc gia cũng thông tin, lợi dụng hình thức kinh doanh thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã đưa hàng không đủ chất lượng, thậm chí hàng cấm vào kinh doanh. “Chúng tôi đã tham mưu để chuẩn bị có kế hoạch phòng ngừa đấu tranh thời gian tới”, ông Thế nói.” |
Trước đó, thông tin về xuất xứ hàng hóa và việc xây dựng văn bản, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo nghị định 43/2017 của Chính phủ.
Nghị định quy định có vấn đề cơ bản là trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ và các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nguyên tắc trung thực.
Ông Khánh cho biết, việc đưa ra định nghĩa như thế nào là hàng Việt Nam rồi bắt buộc áp dụng trên toàn quốc là việc cần tính toán rất kỹ vì một số lý do.
"Với hàng triệu sản phẩm, bản quy tắc xuất xứ sẽ phải rất chi tiết, thậm chí chi tiết hơn quy tắc xuất xứ của các FTA, bởi nó phải xử lý rất nhiều trường hợp “oái ăm” như xoài giống Thái Lan nhưng trồng tại Việt Nam là xoài Thái Lan hay xoài Viêt Nam?
Trên thế giới, dường như không nước nào đưa ra quy định áp dụng cho tất cả các sản phẩm lưu thông nội địa mà chỉ chọn một số sản phẩm để đưa ra quy định bắt buộc. Cuối cùng, quan trọng nhất, ta được gì, xã hội mất gì khi mà chỉ vì một vài người thiếu lương thiện, ta bỏ công xây dựng một hệ quy tắc phức tạp để tất cả mọi người đều phải tuân thủ?”, ông Khánh đặt vấn đề và cho biết: “Bộ Công thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi có cơ sở để tin rằng biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội”.
Theo Báo Giao thông