Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh, thuật ngữ “Chuyển đổi số” không phải là cái mốt, là khẩu hiệu trên giấy mà phải làm thật để đưa Việt Nam tiến lên (Ảnh minh họa: Internet) |
Cục Tin học hóa là đơn vị được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Đề án này đã được Bộ TT&TT đưa vào chương trình công tác đăng ký trình Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019. Đây sẽ là cơ sở, định hướng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số của từng lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia cũng là một trong những cơ chế, chính sách Bộ trưởng Bộ TT&TT trong kết luận tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng đầu tiên của năm 2019 đã yêu cầu Cục Tin học hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện để có thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2019.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức hồi giữa tháng 1, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đã đề xuất những nội dung, giải pháp chính trong chuyển đổi số Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của Cục về vấn đề này.
Nhấn mạnh quan điểm “Chuyển đổi số” không phải là cái mốt, là khẩu hiệu trên giấy mà phải làm thật để đưa Việt Nam tiến lên, người đứng đầu Cục Tin học hóa nhận định, so với các nước, chuyển đổi số Việt Nam mới chỉ là bắt đầu. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những lợi thế để thực hiện chuyển đổi số.
“Thứ nhất, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường có quy mô lớn để khuyến khích các doanh nghiệp ICT nghiên cứu, phát triển giải pháp và sản phẩm cho chuyển đổi số. Thứ hai, người Việt Nam rất phù hợp ứng dụng ICT để chuyển đổi số, với độ tuổi trung bình của Việt Nam tương đối trẻ, có năng khiếu về toán, sáng tạo và học hỏi nhanh, thích nghi nhanh với công nghệ số. Và thứ ba, hạ tầng viễn thông và Internet Việt Nam phát triển ở mức cao, giá cả hợp lý”, ông Nguyễn Thành Phúc phân tích.
Đề cập đến những nội dung, giải pháp chính trong chuyển đổi số Việt Nam, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đề xuất 5 nội dung gồm: phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; phát triển Chính phủ số; phát triển hạ tầng số; môi trường pháp lý, chính sách phát triển và các giải pháp để thực hiện những nội dung này.
Đơn cử như, về phát triển kinh tế số, đại diện Cục Tin học hóa khuyến nghị, cần tập trung phát triển doanh nghiệp số, phát triển các doanh nghiệp dựa trên sản phẩm số như X-Tech, các startup công nghệ (cần có chính sách thu hút về vốn, thuế, thúc đẩy R&D…); phát triển doanh nghiệp ứng dụng số - ứng dụng ICT để thay đổi mô hình, quy trình, sản phẩm của doanh nghiệp (cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp ứng dụng ICT, hỗ trợ đào tạo; hướng dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp có mô hình, lộ trình chuyển đổi số phù hợp…).
Cùng với đó, cần phát triển tài chính số - phát triển các hình thức thanh toán qua thiết bị di động e-Payment mới, e-Bankink…; phát triển thương mại điện từ thông qua việc hoàn thiện môi trường pháp lý, bảo đảm sự cạnh tranh, thúc đẩy sự tin tưởng của người dan cũng như hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; phát triển hình thức lao động từ xa - ứng dụng ICT cho phép lao động từ xa; phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, trước hết cần hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện cho mô hình này; chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm phát triển kinh tế, cần ưu tiên tập trung chuyển đổi số cho các ngành thế mạnh, nền tảng như giao thông, điện lực, nông nghiệp, du lịch, phát triển mô hình smart city…
Với phát triển xã hội số, đại diện Cục Tin học hóa đề xuất, cần chú trọng phát triển kỹ năng số cho người dân để trở thành công dân số. Xây dựng chuẩn hóa/ cập nhật chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng số các cấp bao gồ từ cấp Tiểu học, hướng tới nhu cầu thị trường; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, phòng Lab hiện đại, cơ sở thực tập…
Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nhờ ICT. Cụ thể là, xây dựng các nền tảng số cho đào tạo, hướng tới đào tạo suốt đời, cá nhân hóa chương trình đào tạo; mở rộng đào tạo trực tuyến; xây dựng các kho tài nguyên số cho giảng dạy, đào tạo; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, phát hiện gian lận…
Đồng thời, cần đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhờ ICT (phát triển Hồ sơ y tế điện tử, phát triển y tế từ xa, tự động hóa các dịch vụ chăm sóc y tế…); Ứng dụng ICT để bảo đảm an sinh, giảm khoảng cách xã hội (ứng dụng ICT trong quản lý bảo hiểm, sử dụng ICT hỗ trợ nhóm yếu thế dễ tiếp cận các dịch vụ xã hội, có việc làm, thu nhập…); Duy trì, phát triển nền văn hóa dựa trên ICT (ứng dụng ICT để giảng dạy, tìm hiểu văn hóa; số hóa các di sản văn hóa; phát triển công nghiệp sáng tạo…); Bảo vệ môi trường (ứng dụng ICT để quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường…); Ứng dụng ICT bảo đảm an toàn, an ninh xã hội (xây dựng công cụ ICT để thu thập, phân tích thông tin, đưa các ra giải pháp phát hiện, cảnh báo, xử lý các vấn đề an toàn, an ninh như về bạo lực, thảm họa thiên nhiên…)
Khẳng định tầm quan trọng của yếu tố môi trường pháp lý, chính sách phát triển đối với việc thực hiện chuyển đổi số của Việt Nam, đại diện Cục Tin học hóa cho rằng, để triển khai chuyển đổi số, phải đảm bảo môi trường pháp, chính sách phát triển phù hợp, đó có thể là các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị định, Thông tư; hay các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, văn bản hưởng dẫn…
“Một số môi trường pháp lý, chính sách nền tảng cho chuyển đổi số cần được ưu tiên xây dựng và triển khai sớm, tiêu biểu như: Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Bảo vệ thông tin cá nhân; thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở; quy định về quyền sở hữu tài sản số; thúc đẩy startup số; thúc đẩy doanh nghiệp X-Tech; thúc đẩy R&D trong doanh nghiệp; thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; thí điểm hình thức xây dưng chính sách “SandBox” cho một số lĩnh vực…”, đại diện Cục Tin học hóa đề xuất.