Đại tá Nguyễn Ngọc Cường, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho biết Cục đã phát hiện trên trang mạng raidforums.com rao bán gói dữ liệu chứa thông tin khoảng 41 triệu người dùng Việt Nam. |
Đại tá Nguyễn Ngọc Cường, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho biết, việc ứng dụng và phát triển CNTT, viễn thông, Internet đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực, Việt Nam đã và đang phải đối phó với những nguy cơ, thách thức, hiểm họa khôn lường từ không gian mạng, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng.
Hiện nay, Luật An ninh mạng đã được phổ biến, quán triệt rộng rãi trong cả nước và là cơ sở pháp lý để áp dụng hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Từ thực tiễn công tác cho thấy, hiện nay tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam nổi lên những vấn đề như hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Đây là mối lo ngại thường trực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiện nay; đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện 1.721 trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tin tặc tấn công, trong đó có 181 trang thuộc quản lý của cơ quan nhà nước.
Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao khẳng định, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo đó, tình trạng sàn thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật gia tăng; hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc ngày càng tinh vi, quy mô lớn; việc trao đổi, chia sẻ phương thức, thủ đoạn trộm cắp, trao đổi, mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng phổ biến trên các diễn đàn tội phạm mạng.
Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố 23 vụ án hình sự với 196 bị can. Đồng thời, Cục đã bắt giữ và bàn giao Cảnh sát các nước 555 đối tượng; phối hợp xử phạt hành chính và trục xuất 254 đối tượng.
Bên cạnh đó, tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, lộ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tiếp tục được phát hiện tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều hệ thống thông tin còn bộc lộ nhiều sơ hở, lỗ hổng trong cơ chế bảo mật, không được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước, mất thông tin, dữ liệu tiếp tục lan rộng, đáng báo động. "Đáng chú ý, ngày 24/3/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện tài khoản “vow” (thuộc trang mạng raidforums.com) rao bán gói dữ liệu chứa thông tin khoảng 41 triệu người dùng Việt Nam”, đại tá Nguyễn Ngọc Cường nói.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, hiện thông tin sai sự thật, tin giả, tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân xuất hiện “tràn lan” trên không gian mạng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và uy tín của các cơ quan, tổ chức.
Đáng chú ý, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và các đối tượng chống đối gia tăng hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phát tán thông tin xấu, độc, chống Đảng, Nhà nước; lợi dụng dịch Covid-19 tung tin sai sự thật.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xử lý hàng triệu tin, bài liên quan dịch bệnh Covid-19, triệu tập đấu tranh với gần 1.500 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 17 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng.
Vì vậy, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho rằng những thách thức An ninh mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là hợp tác công tư.
Theo chương trình An ninh chính phủ (GSP), Bộ Công an đã ký với Tập đoàn Microsoft, thời gian qua, Công ty Microsoft Việt Nam đã tích cực chia sẻ dữ liệu về hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống mạng thông tin của 63 tỉnh, thành tại Việt Nam, trong đó trọng điểm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là những nơi bị tấn công lây nhiễm mã độc cao nhất cả nước. Hiện có trên 3,8 triệu địa chỉ IP của Việt Nam bị lây nhiễm với hàng chục dòng mã độc nguy hiểm.
Đại tá Nguyễn Ngọc Cường cho hay, theo hợp tác này, Microsoft chia sẻ cũng chỉ rõ những nguy cơ, đe dọa đối với từng địa phương cũng như một số lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp cụ thể, trong đó thường xuyên cập nhật các loại mã độc nguy hiểm đã và đang được sử dụng để tấn công mạng nhằm vào Việt Nam.
"Việc các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ, trao đổi thông tin, cung cấp giải pháp công nghệ về bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng, phòng tránh những nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra ngày càng sâu rộng của Việt Nam", ông Cường chia sẻ.
Thái Khang
Chuyên gia bảo mật Việt phát hiện lỗ hổng nguy hiểm trên hệ điều hành Windows
Lỗ hổng bảo mật trên Windows có mã “CVE-2020-1319” được anh Lê Hữu Quang Linh, chuyên gia của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) phát hiện mới đây, là lỗ hổng nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng.