Các giải pháp được xây dựng xung quanh dữ liệu ẩn danh (dữ liệu không định danh), loại dữ liệu đã được xóa hoặc mã hoá một phần, hay toàn bộ thông tin nhận dạng cá nhân ra khỏi cơ sở dữ liệu. Việc ẩn danh dữ liệu là phương pháp bảo vệ dữ liệu riêng tư, trong khi vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu và chia sẻ thông tin.
Cung cấp dữ liệu ẩn danh cho các thương hiệu lớn
Việc ẩn danh dữ liệu là phương pháp bảo vệ dữ liệu riêng tư, trong khi vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu và chia sẻ thông tin. |
Foursquare, ứng dụng check-in phổ biến, từng có tới 30 triệu người dùng toàn cầu và hơn 3 tỷ lượt check-in mỗi ngày. Tuy nhiên, nền tảng này không thể cạnh tranh với các thế lực mạng xã hội như Facebook và Twitter. Thay vào đó, công ty đưa ra chiến lược mới nhằm tận dụng cơ sở dữ liệu người dùng đồ sộ tích lũy được sau hơn một thập kỷ hoạt động: cung cấp dữ liệu dưới dạng ẩn danh cho các thương hiệu lớn khác.
Chiến lược mới này có sự tương đồng với mô hình hoạt động ban đầu, nhưng chứa một khác biệt lớn: ứng dụng tự động check-in người dùng dựa vào sự dịch chuyển. Các dữ liệu siêu ngữ cảnh (hyper-contextual) từ người dùng cho phép Foursquare có thể cung cấp dịch vụ doanh nghiệp cho các bên thứ ba, trong đó có nhiều gã khổng lồ công nghệ như Apple (ứng dụng bản đồ), Snapchat, Twitter, Uber, Pinterest hay Samsung.
Không chỉ vậy, Foursquare cũng là công ty cung cấp dịch vụ định vị cơ bản cho nhiều thương hiệu lớn khác như Spotify, Airbnb, Coca-cola và JetBlue. Đến nay, có hơn 125.000 nhà phát triển toàn cầu đang tích hợp công nghệ hoặc sử dụng dịch vụ dữ liệu của nền tảng này trong sản phẩm của mình.
Công ty đã tìm thấy cơ hội mới khi đại dịch Covid-19 càn quét qua các đại lục làm thay đổi hành vi tiêu dùng của số đông và nhu cầu về dữ liệu ngày càng tăng cao.
“Covid-19 đã cho thấy mọi lĩnh vực đều cần dữ liệu về không gian địa lý để thực sự hiểu người tiêu dùng muốn gì”, CEO và Chủ tịch Foursquare Gary Little nói. “Đã từng có ranh giới rõ ràng giữa khách hàng thực và khách hàng số. Nhưng giờ chỉ có một khách hàng duy nhất. Do đó, chúng tôi coi đó là một trong những trụ cột đầu tư”.
Theo Gary, dữ liệu vị trí là một trong những loại dữ liệu nhạy cảm nhất trong hệ sinh thái, vì khi mọi người di chuyển thì điện thoại của họ cũng dịch chuyển theo. Do vậy, tất cả các dữ liệu đều được Foursquare tổng hợp dưới dạng không định danh.
“Phần lớn các công ty đều sử dụng từ rất sớm dữ liệu không gian địa lý trong các ứng dụng của họ. Do đó, chúng tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực này để tăng tốc các công cụ, cung cấp cho những công ty có nhu cầu các lớp công nghệ và khả năng phân tích ngăn dữ liệu dựa trên vị trí địa lý”.
Ứng dụng blockchain trong kinh doanh dữ liệu ẩn danh
Dữ liệu y tế là một lĩnh vực giàu tiềm năng đối với các công ty dược phẩm và nhà nghiên cứu y học. Để đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, công nghệ blockchain có thể là một giải pháp.
Hu-manity.co, startup trụ sở tại Mỹ đã bắt tay với gã khổng lồ điện toán IBM ra mắt ứng dụng dựa trên nền tảng blockchain, cho phép các bệnh nhân bán dữ liệu ẩn danh của chính họ với các bên thứ ba. Các thông tin trước khi giao dịch sẽ được lược bỏ số nhận dạng cá nhân cơ bản như tên, địa chỉ hay thẻ an sinh xã hội.
Theo đó, công ty sử dụng sổ cái kỹ thuật số dựa trên công nghệ Hyperledger Fabric, cung cấp khoá mật mã cho dữ liệu cá nhân của các bệnh nhân, thậm chí cho phép người bán hoặc người được uỷ quyền kiểm soát cụ thể mục đích dữ liệu được sử dụng và thu lợi nhuận từ việc bán các dữ liệu này.
Startup kỳ vọng sổ cái này có thể đóng vai trò môi giới cho tất cả các loại thông tin khách hàng, từ vị trí địa lý cho tới dịch vụ streaming, báo cáo thẻ tín dụng hay thậm chí là lịch sử duyệt web. Richie Etwaru, CEO và đồng sáng lập Hu-manity.co giải thích.
“Chúng tôi không phải người bán, mà chỉ đóng vai trò phân phối. Công ty không kinh doanh việc xây dựng hồ lớn chứa dữ liệu hoặc thu thập dữ liệu”.
Sau khi người dùng đăng ký dịch vụ trên ứng dụng, họ sẽ được thiết lập vào một mạng blockchain và đặt “tiêu đề” cho dữ liệu của họ. Người dùng được kết nối tới hệ thống tích điểm, tương tự như cửa hàng đổi thẻ, nơi mỗi lần họ cho phép dữ liệu của mình được sử dụng, sẽ nhận được điểm thưởng được dùng để đổi tặng phẩm. Etwaru cho biết, công ty hướng tới trả thưởng bằng tiền mặt, từ 100-200 USD/năm tuỳ thuộc vào số lượng và loại dữ liệu được cho thuê.
“Khi có đủ người tham gia vào chương trình này, công ty sẽ bắt đầu thương lượng giá cả với các đối tác trong ngành chăm sóc sức khỏe”, CEO công ty nói.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, các công ty kinh doanh dữ liệu y tế phải lược bỏ 18 loại thông tin để đáp ứng yêu cầu khử định danh, do đó làm giảm đi đáng kể giá trị của dữ liệu với quá trình nghiên cứu và sử dụng của bên mua.
“Cách đây 6 tháng, tôi từng là giám đốc kỹ thuật của một công ty trị giá 8 tỷ USD với doanh thu 4 tỷ USD dữ liệu y tế không định danh mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng dữ liệu bán ra là khá tệ, đi kèm với đó là những lo ngại về nguy cơ bị tái định danh”, Etwaru chia sẻ.
Việc sử dụng công nghệ blockchain, trao quyền cho người bán quyết định về mức độ sử dụng thông tin cá nhân của mình, sẽ vừa cho phép bệnh nhân có thêm thu nhập và các doanh nghiệp có dữ liệu chất lượng cao.
Vinh Ngô
Xác thực không mật khẩu có thể tạo ra cách mạng bảo vệ dữ liệu người dùng
Nhấn mạnh sự cần thiết sử dụng các giải pháp xác thực mạnh, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, phương thức xác thực không mật khẩu có thể tạo ra cách mạng bảo vệ dữ liệu người dùng.