Ghi nhận những nỗ lực vượt bậc
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, thời gian qua, ngành du lịch đã có sự tăng trưởng tích cực. Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,6 triệu lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 76,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 7/2023 là tháng đầu tiên trong năm ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng cao.
Theo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021, Việt Nam xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước “được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng tốt nhất thế giới”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá.
Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) dẫn số liệu từ các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho hay, trong 12 năm (từ 2007 đến 2019), chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 24 bậc từ hạng 87 lên hạng 63 toàn cầu. Đáng chú ý, giai đoạn 2015-2019 với sự phát triển đột phá của ngành du lịch Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75 lên 63.
Việc Việt Nam là 1 trong 3 quốc được đánh giá có tốc độ tăng trưởng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch cao nhất phản ánh những nỗ lực vượt bậc và thành công của ngành du lịch Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch và phục hồi, tái thiết hoạt động.
Tuy nhiên, một số chỉ số trong Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Việt Nam xếp hạng thấp: “Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành” xếp hạng 87, trong khi đây là một trong 17 trụ cột; “Hạ tầng dịch vụ du lịch” xếp hạng 86. Đây vẫn là những hạn chế cố hữu của du lịch Việt Nam qua các kỳ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Chưa kể là hiện nay, doanh nghiệp trong ngành nhìn chung có quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh trong khu vực còn hạn chế. Sau giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, về vốn. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá như tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các sự kiện du lịch quốc tế và khu vực chưa nhiều.
Cần nâng hạng cạnh tranh trong bối cảnh mới
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025 phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Nước ta phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp từ 6-8% trong GDP.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới “hậu” Covid-19, những xu hướng du lịch mới được Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) chỉ ra, như du lịch nhóm nhỏ, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch bền vững, tránh những điểm đến đông người, đi ngắn ngày hơn và chi tiêu ít hơn,... cùng với sự bùng nổ của công nghệ số, chuyển đổi số đòi hỏi ngành du lịch, các địa phương và doanh nghiệp lữ hành phải có sự thích nghi, thay đổi về thị trường, sản phẩm du lịch, cách xúc tiến quảng bá mới nhằm nâng cao hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh.
“Du lịch là ngành có tính hội nhập cao. Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch. Hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần tranh thủ các thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động hiệu quả, phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Đặc biệt, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng đòi hỏi ngành du lịch cần có giải pháp ứng phó linh hoạt với những khủng hoảng tương tự trong tương lai”, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.
Để phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có khả năng cạnh tranh cao, Bộ VH-TT&DL cho rằng cần có giải pháp toàn diện, đột phá thu hút mạnh mẽ khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Trong đó, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch.
Cùng với đó, đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch.