Không chỉ nghèo nàn về sản phẩm dịch vụ, khách du lịch còn ngán ngẩm với cách làm không chuyên nghiệp, nhà vệ sinh nhếch nhác và cả sự vòi vĩnh của một số tài xế, hướng dẫn viên.

Gần đây, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tuột dốc không phanh, ngành du lịch đã áp dụng một số giải pháp như miễn visa cho một số nước, tăng cường quảng bá… Nhưng để vực dậy ngành du lịch thì phải từ những điều nhỏ nhặt nhất như nhà vệ sinh, thùng rác rồi thái độ phục vụ của tài xế, hướng dẫn…

Vài ngày trước, tại một cuộc họp liên quan đến ngành du lịch ở TP Cần Thơ, không ít đại biểu tham dự đã phàn nàn về việc quá thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách. Du lịch ĐBSCL có đầy tiềm năng, sông nước miệt vườn, cây trái bốn mùa nhưng các sản phẩm du lịch thì lại quá nghèo nàn. Du khách đến 1-2 ngày là không biết đi đâu. Như ở Cần Thơ, nổi tiếng nhất là chợ nổi Cái Răng nhưng sau đó đi đâu để níu khách ở lại thì không biết!

{keywords}

Vùng ĐBSCL có đầy tiềm năng nhưng sản phẩm về du lịch lại khá nghèo nàn.

Chị Lê Chinh, sống ở TP Cần Thơ, cho biết dịp lễ 30/4 vừa rồi, bạn bè chị từ Hà Nội vào chơi và tham quan chợ nổi trên sông nhưng choáng váng khi bị chặt chém. Thuê thuyền đi chợ nổi ngày thường chỉ 300.000-400.000 đồng cũng không có khách, ngày lễ chủ thuyền nâng giá lên 1,8 triệu đồng/thuyền 12 chỗ ngồi và 3 triệu đồng/thuyền chở khoảng 30 du khách… “Từ dịch vụ thuê thuyền đến vào vườn trái cây, giá tăng vùn vụt mà bạn bè tôi nói đi chừng 2 ngày là hết, không biết khám phá gì nữa”, chị Lê Chinh bộc bạch.

Cũng ĐBSCL, khoảng 1 tuần trước, cơ quan chị Thanh Tâm (quận 9, TP.HCM) có tổ chức đi chơi ở Tiền Giang và đặt chiếc xe 29 chỗ từ một công ty du lịch khá nổi tiếng. Sau khi thương lượng giá và giờ giấc đi về, đến lúc thanh toán tiền, tài xế than thở rằng phải ra ngoài thuê nhà trọ tốn tiền, ăn ở vất vả nên không muốn nhận… 500.000 đồng tiền cho thêm từ đoàn của chị Tâm. Nghe bác tài cằn nhằn, rốt cuộc anh trong đoàn phải cho hẳn 1 triệu đồng gọi là bồi dưỡng thêm.

Cũng liên quan đến tài xế và hướng dẫn viên du lịch, khoảng 3 tháng trước, bản thân người viết đã tham gia một tour khám phá vùng Đông và Tây Bắc của một công ty du lịch. Dẫn đoàn đi là một anh hướng dẫn viên gần chục năm kinh nghiệm và một bác tài xế cũng ngót ngét 10 năm lái xe cho các đoàn du khách đến các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thông thường, hướng dẫn viên sẽ là người quyết định lịch trình, giờ giấc khởi hành mỗi ngày cho du khách, tài xế chỉ có nhiệm vụ lái xe an toàn. Vậy mà một lần, khi đang ở Cao Bằng (hôm đó đoàn đi Thác Bản Giốc) bất ngờ tài xế và hướng dẫn lời qua tiếng lại vì không thống nhất giờ giấc. Đến lúc ăn trưa, trước mặt hơn 20 du khách, tài xế và hướng dẫn… chửi nhau, thậm chí còn chửi thề và không ai nhìn mặt ai. “Thật sự không hiểu nổi! Làm du lịch, làm dịch vụ mà lại cư xử với nhau như vậy trước mặt du khách”, một thành viên trong đoàn bức xúc.

Dù vậy, chuyện tài xế vòi vĩnh và hướng dẫn viên không chuyên nghiệp cũng không chỉ là thiểu số. Nhưng nhà vệ sinh mới là nỗi ám ảnh của du khách cả trong và ngoài nước.

Ngay cả những điểm du lịch nổi tiếng, nhiều người cũng không dám đi vệ sinh, chỉ trông về đến khách sạn mới dám “trút bầu tâm sự”. Cũng trong lần đi tour Đông Tây Bắc 3 tháng trước, khi đoàn tới khám phá động Ngườm Ngao (Cao Bằng) ngay dưới chân núi có 1 nhà vệ sinh nhưng bốc mùi từ xa không ai dám đi.

“Nếu không đi vệ sinh ở đây thì suốt đường vào động hơn 1km và bên trong động khoảng hơn 1km nữa cũng chẳng thấy nhà vệ sinh nào. Kết quả, một số người trong đoàn phải đeo khẩu trang hoặc bịt mũi để đi vệ sinh. Chưa hết, dọc đường vào động Ngườm Ngao dài cả cây số, có nhiều quán uống, trái cây và đồ ăn dựng tạm nhưng lại không hề có một thùng rác hoặc chỗ vứt rác nào”, chị Phương Thảo (ngụ quận Tân Bình), một thành viên trong đoàn, ngán ngẩm kể.

(Theo Người lao động)