Chị Phạm Thị Thùy Trang (ở Hà Nội) cùng nhóm bạn có chuyến du lịch “trốn nóng”, trải nghiệm mùa hè khác lạ ở Trung Quốc với hành trình kéo dài 13 ngày (bao gồm cả thời gian di chuyển) theo cung Cam Túc – Thanh Hải hồi tháng 7 vừa qua.
Đây là hai tỉnh lớn nằm ở phía tây bắc của Trung Quốc với phần lớn cư dân là người dân tộc thiểu số như người Tạng và giao thông công cộng còn chưa phát triển ở nhiều nơi. Bởi thế, Cam Túc – Thanh Hải được xem là điểm đến lý tưởng dành cho những tín đồ ưa xê dịch, thích chinh phục những vùng đất mới mẻ, còn nguyên vẻ hoang sơ.
Chị Trang có 11 ngày trải nghiệm trọn vẹn cung Cam Túc - Thanh Hải. Trong đó, Thanh Hải - Tây Tạng nằm ở độ cao trung bình 4.500m so với mực nước biển là cao nguyên cao nhất hành tinh, rộng 1,2 triệu km2 và chiếm 1/8 diện tích Trung Quốc
Nếu Cam Túc sở hữu một phần sa mạc Gobi rộng lớn thì Thanh Hải lại gây ấn tượng bởi những hồ nước rộng hay các thảo nguyên xanh mát, kéo dài tới tận chân trời
Chị Trang cho biết rất yêu thích những công trình kiến trúc mang tính lịch sử lâu đời của Trung Quốc cũng như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất Tạng nên quyết định ghé thăm nơi đây để khám phá thêm văn hoá, cuộc sống của người dân địa phương.
“Chuyến đi này cũng lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu “Ký sự sông Mê Kông” nổi tiếng một thời của đài truyền hình TP. HCM năm xưa mà mình từng được xem. Và Thanh Hải là nơi bắt nguồn của sông Mê Kông”, chị nói.
Trước đó, nữ du khách Hà Nội cũng có cơ hội ghé thăm nhiều quốc gia lân cận khác như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia... Riêng tại Trung Quốc, chị từng du lịch vài lần, đặt chân tới một số tỉnh thành như Hồ Nam, Tứ Xuyên và khám phá loạt địa điểm du lịch nổi tiếng như Thành Đô, Tân Đô Kiều, Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn,…
Thành Đôn Hoàng là thị trấn cổ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Cam Túc với tuổi đời lên tới 4.000 năm, được ví như "hòn đảo xanh cô đơn giữa sa mạc khô cằn". Tới đây, du khách được trải nghiệm đón hoàng hôn lúc 9, 10 giờ đêm
Hồ Thanh Hải là hồ nước mặn lớn nhất đại lục, được mệnh danh là "nơi giao nhau giữa đất trời” bởi cả một vùng trời xanh, nước xanh kéo dài đến tận chân trời. Bao quanh hồ là những ngọn núi nổi tiếng như Đại Thông Sơn, Nhật Nguyệt Sơn, Tượng Bì Sơn, Thanh Hải Nam Sơn. Khoảng tháng 6 - tháng 8 hàng năm, nơi đây lại hút khách tới chiêm ngưỡng mùa hoa cải vàng nở rộ đẹp mắt
Sông Thông Thiên Hà - nơi hợp lưu 3 con sông gồm Trường Giang, Hoàng Hà và Lan Thương Gian (Mê Kông). Tại đây có bãi đá phơi kinh xuất hiện trong phim Tây Du Ký và trở thành điểm check-in được nhiều du khách lựa chọn ghé thăm
Vì có kinh nghiệm nhiều lần đến Trung Quốc, lại muốn chủ động lịch trình, thời gian theo kế hoạch riêng nên chuyến đi này, chị Trang cùng nhóm bạn lựa chọn du lịch theo hình thức tự túc. Họ cũng muốn trải nghiệm du lịch “chậm”, từ từ khám phá những điểm đến mình muốn thay vì nhồi nhét quá nhiều địa danh trong một ngày.
Trong hành trình lần này, họ ghé thăm nhiều điểm đến nổi tiếng như: thành Đôn Hoàng; hang đá Mạc Cao; Minh Sa Sơn - Nguyệt Nha Tuyền; đồng Cải Môn Nguyên; hồ Thanh Hải; châu Tự Trị Tạng Tộc Mã Đa; sông Thông Thiên Hà;… Ngoài ra, cả nhóm còn đi dạo ở phố cổ Tây An, check-in núi cầu vồng Đan Hà và Gaden Monastery ở Ngọc Thụ,…
Chị Trang đặc biệt ấn tượng với khung cảnh thiên nhiên đẹp lạ tại Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc). Nơi đây từng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2009 với cảnh quan tráng lệ, gồm các dãy núi nhiều màu trải dài, hiện lên như những dải lụa đầy màu sắc.
Công viên địa chất Trương Dịch Đan Hà có tên là Zhangye National Geopark, rộng gần 74.000 ha. Nơi đây mê hoặc du khách bởi những dãy núi đá vôi nhiều màu sắc rực rỡ, thay đổi dần theo sắc độ đậm nhạt khác nhau từ màu đỏ gạch, nâu hạt dẻ, vàng, cam cho đến xanh lá, xanh lam…
Toàn cảnh Gaden Monastery nhìn từ xa, gây choáng ngợp bởi màu xanh mướt
Gaden Monastery - ngôi chùa người Tạng tọa lạc giữa một vùng hẻo lánh, trên một bán đảo được dòng sông Tử Khúc Hà bao quanh cũng là điểm dừng chân để lại nhiều ấn tượng với nữ du khách Việt
Để đến đây, người ta phải băng qua nhiều thảo nguyên xanh mát, tràn ngập cỏ cây, hoa lá và những loài động vật hoang dã chạy nhảy khắp nơi. Nếu muốn ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa này, du khách phải leo lên ngọn núi phía đối diện, tuy có chút mệt nhưng bù lại có thể được hòa mình vào thiên nhiên bao la, đẹp như tranh.
Khung cảnh xanh mát tuyệt đẹp được ví như “Thụy Sĩ thu nhỏ” từ góc nhìn ở Gar Monastery
11 ngày khám phá vùng đất nơi đây, chị Trang cũng có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là lần đầu hạ cánh xuống Đôn Hoàng thuộc sa mạc Gobi, chị không khỏi bất ngờ với bầu không khí mát mẻ khác xa với tưởng tượng.
“Ở đây, nhiệt độ ban ngày khoảng 17 – 25 độ C, còn chiều tối khá lạnh. Mình đã chuẩn bị sẵn tâm thế về cái nắng nóng nơi sa mạc khô cằn nhưng không nghĩ thời tiết lại dễ chịu như vậy. Trời cũng tối muộn, 9-10h đêm mới hoàng hôn”, chị Trang nhớ lại.
Chị Trang cùng nhóm bạn dành phần lớn thời gian trong chuyến đi để tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh, cũng như ghé thăm, trải nghiệm các khu chợ địa phương ở mỗi chặng dừng chân
Một điểm ấn tượng khác mà nữ du khách Việt cảm nhận được khi đặt chân đến vùng đất này chính là sự thân thiện, hiếu khách của người bản địa. Ai nấy đều tỏ ra vui vẻ, nhiệt tình tạo dáng chụp hình cùng khách tham quan. “Có lúc không bắt được taxi, mình ngỏ ý được đi nhờ là họ lập tức đồng ý, nhiệt tình chở về tận nơi mà không nề hà gì”, chị nói thêm.
Trong chuyến đi tới vùng tây bắc Trung Quốc lần này, chị Trang cũng thích thú, hài lòng khi có cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực bản địa, được thưởng thức nhiều món ăn hợp khẩu vị, ngon.
Chị đánh giá các món nướng từ thịt dê, bò, cừu ở Thanh Hải có hương vị hấp dẫn. Một số món ăn cùng cơm cũng dễ ăn, không quá nhiều dầu mỡ hay cay như ẩm thực vùng Tứ Xuyên,….
Nữ du khách đến từ Hà Nội đặc biệt yêu thích món mỳ bò Lan Châu và bánh kẹp thịt ở Tây An (tên thường gọi là roujiamo). Nhất là du lịch vào mùa hè, ở đây còn bày bán nhiều loại trái cây tươi, ngon và rẻ như dưa hấu, dưa vàng, nho, đào, mận....
Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm Cam Túc là vào mùa xuân và mùa thu, khí hậu mát mẻ, dễ chịu, nhiệt độ ngày và đêm không quá chênh lệch nhau. Còn mùa hè, tại đây, trời nắng nóng. Mùa đông thì tuyết phủ trắng xung quanh
Tổng kết chuyến đi, chị Trang ước tính chi phí hết khoảng hơn 40 triệu đồng/người (chưa bao gồm mua sắm). Chị cho rằng mức giá này hoàn toàn tương xứng với những trải nghiệm thú vị mà bản thân có được suốt hành trình 11 ngày “trốn nóng”, khám phá vùng tây bắc của đất nước tỷ dân.
Chị Trang cũng nhấn mạnh, nếu có dịp du lịch cung Cam Túc – Thanh Hải, du khách cũng cần lưu ý một số điều như: rèn thể lực, chuẩn bị sẵn thuốc men đề phòng tình trạng sốc độ cao; chú ý đặt phòng khách sạn có nhận đón khách nước ngoài; nên tải app Alipay hoặc Wechat để thanh toán vì một số địa chỉ ăn uống, lưu trú chỉ nhận thanh toán qua tài khoản, ứng dụng; luôn mang hộ chiếu bên người vì các điểm tham quan yêu cầu du khách phải có hộ chiếu mới được mua vé và qua cổng; mang theo áo ấm vì thời tiết mùa hè ở đây khá lạnh khi di chuyển đến các khu vực cao,…
Phan Đậu - Ảnh: Phạm Thi Thuy Trang