Nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, dung hòa trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Dao, Mường, Mông,… Sơn La có tiềm năng lớn để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Những năm qua, lượng khách du lịch đến Sơn La không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi năm, Sơn La đón khoảng 5 triệu lượt du khách, doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng 13%/năm. Hiện nay, Sơn La đã bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Du lịch cộng đồng; du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp; du lịch văn hóa gắn với lễ hội, thể thao...
Nhiều khu, điểm du lịch dần trở nên nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Khu du lịch Quỳnh Nhai; Ngọc Chiến; cầu kính Bạch Long (cây cầu có đường đi bộ bằng kính dài nhất thế giới); điểm du lịch Pha Đin Tốp; sống lưng khủng long; săn mây Tà Xùa…
Tháng 9 năm nay, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 năm 2024, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La lần thứ 3 được vinh danh là "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á 2024" (2 lần trước vào năm 2022, 2023).
Tạo sinh kế cho bà con vùng đồng bào DTTS
Đồng bào vùng DTTS và miền núi đã góp sức không nhỏ vào sự phát triển du lịch của tỉnh Sơn La. Theo đó, phát huy lợi thế từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng bào DTTS nơi đây đã xây dựng nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan.
Du khách đến với Sơn La còn có cơ hội cùng đồng bào tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp như: hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá...
Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập, đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 38 khách sạn từ 1-5 sao, còn lại là nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các khu, điểm du lịch Sơn La đã đón trên 3,8 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu ước đạt khoảng 4.565 tỷ đồng. Đời sống bà con đã có nhiều đổi thay nhờ nguồn thu từ du lịch.
Một số dự án nước ngoài triển khai tại Sơn La cũng góp phần hỗ trợ cho đồng bào DTTS tỉnh Sơn La nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập từ du lịch.
Mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Sơn La trong thời gian tới là phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Sơn La đón 5,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 du lịch Sơn La là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Sơn La, thân thiện với môi trường; đưa Sơn La trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước.