Cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước, Hải Phòng đang nỗ lực “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Để từng bước phục hồi, Thành phố tập trung phát triển ngành Du lịch, vừa góp phần vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cho năm tới, 2022.

Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố yêu cầu điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong bối cảnh sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19. Phát triển sản phẩm du lịch thành phố dựa theo tiềm năng, thế mạnh của các loại hình sản phẩm phù hợp với thị trường có tiềm năng như: du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon…) kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm thu hút đối tượng khách có khả năng chi trả cao; du lịch trải nghiệm (nông nghiệp nông thôn, ẩm thực) và chăm sóc sức khỏe (suối khoáng nóng, khám chữa bệnh) thu hút đối tượng khách gia đình, học sinh, sinh viên và người lớn tuổi; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo thu hút đối tượng khách gia đình, giới trẻ, khách đi theo đoàn; du lịch MICE thu hút đối tượng khách doanh nhân, chính trị gia và văn nghệ sỹ; du lịch văn hóa tâm linh thu hút đối tượng khách là phụ nữ và người lớn tuổi.
Để triển khai thực hiện được các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố đề ra các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: đảm bảo an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu của thị trường trong giai đoạn bình thường mới; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch; chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, theo kế hoạch về phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19, Hải Phòng định hướng khai thác sản phẩm du lịch thành phố tập trung vào 5 nhóm gồm: du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon), kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm thu hút khách có khả năng chi trả cao. Du lịch trải nghiệm ở các vùng nông thôn, thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe (khu vực suối khoáng nóng), khám chữa bệnh sẽ là nhóm sản phẩm thu hút nhóm khách gia đình, học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Giới trẻ, khách đi theo đoàn của công ty sẽ theo nhóm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo. Du lịch MICE (du lịch hội thảo, hội nghị) để thu hút các doanh nhân, chính trị gia và văn nghệ sĩ. Du lịch văn hóa tâm linh thu hút đối tượng khách là phụ nữ và người lớn tuổi.
Về thị trường du lịch, thành phố Hải Phòng sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực để phục hồi. Trong giai đoạn đầu, thành phố tập trung thu hút khách du lịch là những người đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố, thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố; liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh trong chương trình hợp tác, thiết lập hành lang du lịch an toàn của 12 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tiếp đó, thành phố sẽ thu hút nhóm du khách đến từ các trọng điểm du lịch miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với thị trường khách quốc tế, giai đoạn đầu tập trung khai thác thị trường khách đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, sau đó mở rộng đến nhóm khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm như châu Âu và Bắc Mỹ.
Chuyển đổi số sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch Hải Phòng. Theo đó, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng bản đồ số du lịch Hải Phòng cho du khách và người dân thông qua hệ thống website hoặc ứng dụng trên mobile với các tiện ích, cung cấp đa dạng tính năng đáp ứng nhu cầu của du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, triển khai số hóa điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo.
Bích Thủy