Mở rộng khai thác tuyến, điểm mới 

Không còn bó hẹp trong các điểm đến quen thuộc như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, nhiều tuyến nội địa thúc đẩy đưa khách đến với "viên ngọc" khác như Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng hoặc điểm mới ở tỉnh quen như Tiền Giang. Những vùng đất này, với tự nhiên xanh mát, dân dã nhận được nhiều cảm tình từ khách ưa chuộng du lịch sinh thái.  

Ông bà Beate và Etienne (người Anh) vừa có chuyến tham quan miệt vườn sông nước ở huyện Cái Bè, Tiền Giang. Họ được đạp xe vòng quanh cù lao, thăm nhà vườn và thưởng thức đặc sản địa phương. 

“Thay vì các tour vội vã hay trung tâm náo nhiệt, ngồi ăn giữa vườn cây xanh mát nơi đây thú vị hơn nhiều. Đồ ăn tươi ngon cùng không khí yên bình khiến chúng tôi muốn ở lại thêm”, cặp vợ chồng U60 chia sẻ. 

du thuyen 1.jpg
Khách quốc tế tham quan một nhà vườn. Ảnh: Uyên Bùi 

Du lịch bằng tàu biển xuyên biên giới cũng đa dạng hơn với tour đường dài từ 6 ngày 7 đêm. Trong đó, mở rộng điểm đến ở Campuchia, kết nối đến Lào. Mới đây, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á, hứa hẹn tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới cho các nước thuộc tiểu vùng Mekong - Lan Thương. 

Nâng đẳng cấp các sản phẩm du lịch 

Để theo kịp thị hiếu của du khách, trên dòng Cửu Long, bên cạnh ghe ba lá, xuồng máy mộc mạc, ngày càng có nhiều du thuyền xuất hiện. Trong đó, khoảng 10 du thuyền 5 sao do doanh nghiệp Việt vận hành. 

Đáng chú ý, năm 2025, sông Mekong chào đón dự án du thuyền quốc tế được thiết kế và thi công 100% bởi người Việt. Cụ thể, doanh nghiệp kỳ cựu trong du lịch đường sông hạng sang - Focus Travel Group (FTG) là chủ đầu tư kiêm vận hành đã kết hợp với 3 đơn vị kỹ thuật chịu trách nhiệm thiết kế, thi công, giám sát gồm công ty CP Kỹ thuật Đóng tàu Việt Nam (VISEC), công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) và công ty TNHH Kỹ thuật & Công nghệ Hàng hải Việt Nam (Vimatec). 

du thuyen 2.jpg
Lễ công bố dự án Mekong Lover. Ảnh: FTG

Theo FTG, với tổng chi phí 100 tỷ, Mekong Lover hứa hẹn góp phần nâng chuẩn chất lượng du lịch trên sông Mekong. Tiên phong bám sát lộ trình Netzero của Chính phủ, du thuyền sẽ được trang bị hệ thống xử lý nước thải, giảm phát thải CO2, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu đạt chuẩn quốc tế. 

Cũng theo đại diện FTG, không chỉ là một phương tiện vận chuyển khách, Mekong Lover còn mang đến không gian văn hóa, nghệ thuật, nơi du khách có thể khám phá nghệ thuật truyền thống đặc sắc của vùng đất Nam Bộ qua chương trình tour và không gian nhà hát khép kín. 

Ngoài các điểm đến quen thuộc, Mekong Lover sẽ đưa du khách khám phá Vĩnh Long, Bến Tre - những vùng đất giàu bản sắc nhưng ít xuất hiện trên bản đồ du lịch cao cấp. Bên cạnh những trải nghiệm mới cho du khách thì hành trình này cũng góp phần mang đến lợi ích kinh tế bền vững cho các địa phương, tạo thêm việc làm và thúc đẩy du lịch cộng đồng. 

du thuyen 3.jpg
Thiết kế tàu Mekong Lover. Ảnh: FTG

Doanh nghiệp này cũng đang trong quá trình đóng thêm 1 du thuyền mới bên cạnh 4 du thuyền hạng sang đang hoạt động, nhằm đáp ứng thị trường du khách đang tăng trưởng mạnh. 

Khai thác sâu các giá trị đặc thù  

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo. Bám sát định hướng, các địa phương tích cực nghiên cứu, lồng ghép “đặc sản” du lịch riêng vào các tour lữ hành, góp phần đưa du lịch sông Mekong thoát khỏi lối mòn “trăm tour tựa một”. 

Hiện, Long An, Đồng Tháp đang đẩy mạnh loại hình du lịch dược liệu gắn với lợi thế đặc hữu như rừng tràm trà gió, vùng dược liệu sen. Trà Vinh tiếp tục phát huy mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông thôn, nông nghiệp. 

Dự kiến, tuyến du lịch kết nối TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ có thêm khoảng 22 sản phẩm mới, ưu tiên cung đường từ 2 - 10 ngày bằng dạng tàu lưu trú. 

Tuy nhiên, để tạo ra động lực phát triển bền vững, cần đồng bộ xây dựng các hạ tầng cấp thiết, phát triển bộ tiêu chuẩn an toàn đường sông và chiến lược phát triển gắn với bảo tồn sinh thái - văn hóa ven sông. Có như vậy, cùng với sự nỗ lực nhiều bên, du lịch sông Mekong mới có thể đón gió để vươn cao. 

Uyên Bùi