Những quyển hướng dẫn du lịch,cẩm nang du lịch khắp thế giới đều giống nhau và cũng được tìm đọc đầu tiên là giá: giá tour, giá nhà nghỉ và nhất là giá ẩm thực. Du khách không phải cân đong đo đếm mà vô cùng tức giận khi phải trả giá ăn uống cao hơn giá trị thật mà lại không vừa miệng.

Các cao thủ phượt, du lịch, người đọc nhiều trên mạng cũng cẩn thận cảnh giác du khách những địa chỉ hắc ám chuyên “cứa cổ” du khách về giá mà chúng ta đang có tên gọi thời thượng và “nhức đầu” là “chặt chém”. A Lô, “chém” thật chứ không phải "chém gió”.

“Điểm danh” mấy việc gần đây:

Ông khách du lịch nghe bạn bè khen làng chài Nha Trang hải sản tươi ngon,rẻ và người buôn bán thân thiện nên cất công đến tận nơi. Ông mua cua, cân thử đúng 1,2 kg, giá 350.000đồng/kg. Lát sau con cua luộc mang lên bé xíu,ông đề nghị đưa đúng con cua 1,2 kg ban nãy, quán này đồng ý đổi và mang ra con cua luộc cân đúng 420 gr. Chỉ bằng phân nửa cua du khách mua.

{keywords}

Không chỉ Nha Trang mới có “máy chém”, nơi khác cũng vậy:

Theo du khách B.V.T. (Hà Tĩnh), tối 30-6, anh cùng một đoàn bảy người, trong đó có ba trẻ nhỏ vào ăn uống tại nhà hàng hải sản Bé Anh, gần công viên Biển Đông (đường Võ Nguyễn Giáp, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Tại đây, nhóm anh đã gọi một số món hải sản như tôm, cua, rau… Sau khi dùng xong, nhóm gọi tính tiền thì được chủ quán đưa ra hóa đơn tính tiền với số tiền hơn 4,4 triệu đồng.

Nhưng “chém” như vậy vẫn chưa đẹp, ẩm thực Vũng Tàu mới xứng đáng là “Độc Cô Cầu Bại” về chặt chém khách du lịch:

Khoảng 22 giờ 30 ngày 19-1, chị Lê Thị Hồng Thanh cùng một người đàn ông quốc tịch Nhật Bản đến quán Hào Long Sơn ăn khuya. Bữa ăn của 2 người hết 2,2 triệu đồng gồm tôm sú, ốc hương, cơm chiên hải sản, 2 chai bia, 1 ly cam ép. Vì không đủ tiền mặt nên vị khách Nhật Bản yêu cầu được thanh toán bằng thẻ visa.

Ông Nguyễn Như Khánh, chủ quán trực tiếp đưa khách đến máy POS quẹt thẻ và tự mình bấm thanh toán. Vị khách Nhật thấy ông Khánh bấm 22 triệu đồng nên tỏ ý thắc mắc nhưng không hiểu ngôn ngữ. Trên đường quay về khách sạn, chị Thanh xem lại tờ biên lai và phát hiện số tiền bị tính là 22 triệu đồng nên nhờ tài xế taxi quay lại. Tuy nhiên lúc này quán Hào Long Sơn đã đóng cửa.

Giải thích vì sao khách phải trả bữa ăn quá mắc như vậy, ông Khánh cho biết do sơ ý nên lúc quẹt thẻ bấm nhầm từ 2,2 triệu đồng thành 22 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được tin báo của khách hàng, sáng 20-1, ông Khánh đã liên hệ với Ngân hàng BIDV chi nhánh Vũng Tàu, rút toàn bộ số tiền trên ra.

Ngoài ẩm thực, sự thân thiện của dân bản địa cũng là yếu tố hấp dẫn du khách, vậy du lịch Việt có thân thiện không?

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa (23 tuổi) cho biết chị và gia đình gồm 12 người từ Đồng Nai đi thị xã La Gi du lịch cuối tuần. Chị Hòa và hai phụ nữ khác trong đoàn là Nguyễn Thị Thùy Dung và Võ Thị Đào cùng đi mua hải sản tại khu vực ven biển xã Tân Tiến.

Khi đang mua hàng, những khách hàng này cho rằng hải sản bị cân thiếu nên phản ảnh với chủ bán hàng.

“Khi nghe chúng tôi phản ảnh việc hải sản bị cân thiếu thì nhiều người lao vào đánh tôi. Tôi rất hoảng loạn” - chị Mỹ Hòa nói.

Chị Hòa bị thương chảy máu ở vùng mặt và mang tai, được những người xung quanh giúp đỡ chữa trị vết thương.

Ngoài ra du khách còn rất sợ những băng nhóm trấn lột dưới lốt làm các dịch vụ mà du khách ưa thích như chạy xích lô du lịch,bán “trái cây dân tộc” để du khách chụp hình…mà truyền thông đã điều tra ra như băng nhóm xích lô du lịch ở TP HCM, nhóm giả danh bán dừa trấn lột khách du lịch nước ngoài… Một phóng viên thâm nhập đường dây bất lương này. Một trái dừa bình thường có giá 10.000 - 15.000 đồng. Nhưng qua nhóm buôn bán bất lương này, du khách bị ép trả với giá 50.000 -100.000 đồng/trái, thậm chí 200.000 đồng/trái.

Với đặc thù về lịch sử và địa lý VN không có những kỳ quan nhân tạo mang tầm thế giới như Vạn Lý Trường Thành, Angkor, Rome… không có những dịch vụ du lịch siêu sang hoặc đặc thù như casino… chỉ có thể hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bằng cảnh quan, ẩm thực và sự thân thiện…

Cảnh quan thì bị khai thác vô tôi vạ, kém tôn tạo, ẩm thực “chặt chém”, buôn bán kém thân thiện…thì lấy gì thu hút du lịch?

Họp trực tuyến với các địa phương ngày 29-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu suy nghĩ sau khi đưa ra con số: "Năm nay Myanmar đón 5 triệu khách quốc tế. VN chỉ đón 7 triệu khách."

Thủ tướng đặt câu hỏi: "Các đồng chí nghĩ mình như thế nào?".

Không hiêu bây giờ ngành du lịch nghĩ gì và trả lời như thế nào đối với Thủ Tướng nhưng rõ ràng có sự thụt lùi trong du lịch Việt,trong cuộc họp giao ban Chính Phủ tháng 6 vừa rồi, các bộ ngành đã đưa ra con số du lịch sụt giảm 11% so với cùng kỳ.

Nhưng có vẻ như ngành du lịch khó chuyển động, vẫn khoa trương hình ảnh du lịch cảnh quan, an lòng về nó, xem đây là chìa khóa vàng?

Một blogger phân tích tình trạng ì ạch này bởi tâm lý “tự hào” mang tính “ảo tưởng” đang phổ biến ở nhiều lĩnh vực:

- Thực ra, một người đi du lịch khắp thế giới sẽ nhận ra là vẻ đẹp thiên nhiên hiện hữu cùng khắp, tại mọi lục địa, từ đồi núi biển khơi đến sa mạc rừng sâu. Mỗi vẻ đẹp dù khác biệt vẫn làm chúng ta nín thở trước sự cấu tạo tuyệt vời của Thượng Đế. Việt Nam có thể may mắn hơn vài nước khác vì núi biển sát kề nhau; nhưng thiên nhiên vẫn chia sẻ nhiều thần kỳ cho mọi nơi chốn và cho mọi con người, lớn hay bé, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, hạnh phúc hay đau khổ. Chúng ta nên cảm tạ ân phúc đó vì đây là một món quà “miễn phí” hàng ngày.

Tuy nhiên, trong cái tôn kính món quà thiêng liêng của thiên nhiên, con người phải lo gìn giữ, chăm lo, bồi đắp… tài sản này nếu chỉ để tỏ lòng biết ơn. Sự vô tâm phá hoại môi trường với nạn chặt rừng bừa bãi, đổ rác tràn lan gây ô nhiễm trên sông rạch, đất cát, không khí…nạn giết sạch mọi loài thú để thỏa mãn khẩu vị… Một điều nữa. Cái đẹp Trời cho, hay do người khác tạo nên, có phải là lý do để chúng ta tự hào? Suy ngẫm lại, tự tay chúng ta đã sáng chế, phát minh, tìm tòi… những gì cho nhân loại? Một đột phá về công nghệ đang được ứng dụng khắp thế giới; hay một tác phẩm nghệ thuật đang được trầm trồ tại những triển lãm; hay một triết lý sống đặc thù cho hạnh phúc an bình?

Du lịch Việt đang lãng phí và tiêu xài vô tội vạ những gì mà thiên nhiên ban tặng như cảnh quan thiên nhiên,con người thân thiện và chất lượng dịch vụ… Điều đó đã dẫn tới kết quả như chúng tôi đã phân tích ở trên và câu hỏi của Thủ tướng với ngành du lịch vẫn chưa có lời đáp

(Theo Một thế giới)