Bờ biển Việt Nam có nhiều bãi biển với các quy mô và điều kiện tự nhiên khác nhau. Cả nước có 125 bãi biển có chất lượng tốt, nhiều bãi có chiều dài lên tới 15-18km. Biển Việt Nam có nhiều vũng, vịnh, đầm phá là những tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị cao về cảnh quan, đa dạng sinh học cũng như tài nguyên du lịch văn hóa gắn với đời sống người dân địa phương.

Tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 5/12/2023 tại Hà Nội, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tham luận về chủ đề du lịch biển đảo.

Theo đó, hệ thống trên 2000 hòn đảo của Việt Nam là nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Đặc biệt là hệ thống đảo thuộc vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ. Ngoài Quảng Ninh, Hải Phòng thì Khánh Hòa và Kiên Giang cũng là các địa phương có nhiều đảo có giá trị khai thác du lịch rất cao.

Đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên biển và ven biển cũng là những nguồn tài nguyên du lịch hết sức quan trọng. Hiện nay cả nước có 17 vườn quốc gia ở khu vực ven biển hoặc trên các đảo với nhiều hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng; trong đó có 4 vườn quốc gia trên biển, đảo. Các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là những điểm tham quan đáng chú ý khác.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, không chỉ tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa ở dải ven biển cũng có những đóng góp hết sức quan trọng vào sức hấp dẫn chung của du lịch khu vực ven biển Việt Nam. Hầu hết các di sản thế giới của Việt Nam đều tập trung ở khu vực này, trong đó nổi trội là cố đô Huế, Hội An và Mỹ Sơn. Hơn 1/3 di tích cấp quốc gia của Việt Nam nằm ở khu vực ven biển với mật độ cao nhất ở khu vực từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế (69% trong tổng số 3.560 di tích), sau đó là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận (gần 16%). Di tích lịch sử chiếm khoảng 50% trong tổng số các di tích văn hóa, sau đó là di tích kiến trúc, nghệ thuật chiếm 23%. Trong số 119 di tích đặc biệt cấp quốc gia có tới 49 di tích nằm tại các địa phương ven biển.

Các làng chài cũng là những điểm tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách với truyền thống văn hóa và các hoạt động lễ hội. Bên cạnh đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ cũng có vai trò quan trọng.

5 du lich bien ok.jpg
Du lịch cùng với dịch vụ biển ở vị trí đầu tiên trong thứ tự ưu tiên của các ngành kinh tế biển.

Có thể thấy tài nguyên du lịch nằm dọc dải ven biển và trên các hải đảo của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và có giá trị du lịch cao thuận lợi cho phát triển du lịch tham quan ngắm cảnh, tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao cũng như du lịch tìm hiểu di sản văn hóa.

Nhìn chung, tài nguyên du lịch ở vùng ven biển Việt Nam rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là các giá trị cảnh quan, sinh thái và nguồn lợi sinh vật biển. Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch tham quan, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, v.v. với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao.

Tài nguyên du lịch ở dải ven biển có sự phân hóa với mức độ tập trung cao về một số dạng tài nguyên đặc thù giữa các vùng lãnh thổ: dải ven biển phía Bắc là sự tập trung cao các di tích lịch sử văn hóa; ở dải ven biển miền Trung là sự tập trung cao các di sản thế giới và các bãi biển có chất lượng tốt; còn ở dải ven biển phía Nam từ TP. Hồ Chí Minh đến Kiên Giang, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, là sự tập trung các giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước, đồng bằng ven biển. Đây là yếu tố thuận lợi để phát triển những loại hình/sản phẩm du lịch đặc thù cho từng khu vực dải ven biển, hạn chế sự trùng lặp về sản phẩm du lịch và qua đó tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn chung của du lịch biển Việt Nam. 

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV