Đây là một định hướng hết sức đúng đắn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta trên cơ sở tài nguyên du lịch, vị trí địa lý, khí hậu cũng như nhu cầu của thị trường.
Nghị quyết 36-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" khẳng định du lịch cùng với dịch vụ biển ở vị trí đầu tiên trong thứ tự ưu tiên của các ngành kinh tế biển.
Tham luận gửi đến Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng 5/12/2023 tại Hà Nội, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Du lịch biển đã khẳng định vững chắc được vị thế trong hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam và góp phần xác lập vai trò của du lịch trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Sự phát triển du lịch biển đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, và là động lực phát triển quan trọng cho hệ thống đô thị ven biển, đặc biệt ở các trọng điểm du lịch như Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc…
Du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch biển đảo đã phát triển mạnh, nhanh liên tục trong 20 năm qua. Thời gian đó có thể thấy sự phát triển dựa trên việc khai thác tài nguyên một cách tương đối giản đơn, động lực phát triển là do tác động của hiệu ứng "điểm đến mới nổi" và thị trường mới phát triển. Tuy nhiên có thể thấy động lực này sẽ dần suy giảm tác dụng và chúng ta cần cú hích mới để duy trì đà phát triển và những đột phá về chính sách được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm vai trò này.
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Một trong những vấn đề nổi cộm trong phát triển khu vực ven biển cũng như tại nhiều vùng, địa phương khác trong cả nước là các xung đột về không gian, sử dụng đất, khai thác tài nguyên. Do vậy việc thực hiện thành công phương pháp tiếp cận "tích hợp" của Luật Quy hoạch đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng bờ, quy hoạch các vùng, tỉnh, thành phố, được kỳ vọng là giải pháp tối ưu đối với vấn đề này nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực, cân đối nhu cầu phát triển, đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đối với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo, việc phát triển các công trình hạ tầng và giao thông hàng hải có ý nghĩa then chốt. Giải pháp này bao gồm việc phát triển các công trình hạ tầng bến cảng, cầu cảng ở đất liền và các đảo, xác định các khu vực hoạt động, luồng lạch, tuyến du lịch trên biển đồng thời phát triển đội ngũ phương tiện du lịch biển phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế và nhu cầu của thị trường.
Phân vùng không gian là một giải pháp hết sức quan trọng, phân vùng không gian cần được thực hiện ở quy mô vùng, quy mô tỉnh và quy mô từng khu vực, địa bàn cụ thể. Phát triển du lịch tới các đảo xa bờ cũng là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển các sản phẩm mới, không gian mới, vừa mở rộng phạm vi hoạt động của ngành du lịch vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, không gian du lịch biển đảo không chỉ bao gồm phần đất liền, các đảo và mặt biển mà còn bao gồm không gian dưới biển và bầu trời trên biển. Những không gian - tài nguyên này khi được khai thác phù hợp với các yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, các yêu cầu về bảo vệ môi trường… sẽ là những tiềm năng phát triển hết sức có giá trị đối với du lịch biển đảo Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề phát triển mất cân đối, chỉ chú trọng tới các sản phẩm biển đảo là những sản phẩm mang lại lợi nhuận nhanh, cần chú trọng phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch khác như du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch sinh thái. Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cũng hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là hiệu quả kinh doanh hoạt động du lịch.
Môi trường là vấn đề cốt lõi của hoạt động du lịch, đặc biệt môi trường cần được coi là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch với quan điểm khả năng bảo vệ môi trường được tới đâu thì cho phép phát triển tới đó. Trong thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn với việc tăng cường xử phạt đối với các sai phạm trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, các chính sách khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, khuyến khích sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên cần được nghiên cứu và thực hiện để hạn chế tối đa tác động của du lịch tới môi trường tự nhiên đồng thời nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân và khách du lịch về vấn đề này.