Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất điểm đầu dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giao với đường Vành đai 3 TP.HCM.
Điểm cuối dự án do ảnh hưởng tới khả năng nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và các quy hoạch liên quan hiện chưa lập, nên Bộ GTVT thống nhất giai đoạn 1 nghiên cứu đầu tư kết nối đến Km53+850, Quốc lộ 22, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 5 km.
Bộ GTTV cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm việc với phía Campuchia để có phương án kết nối hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bà Vẹt (Campuchia).
Về hướng tuyến, Bộ GTVT thống nhất cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cơ bản song song với quốc lộ 22 hiện hữu.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư với bốn làn xe cao tốc, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh là 6 làn xe, phù hợp quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh sớm có phương án đầu tư mở rộng đường khu vực cửa khẩu Mộc Bài đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hoá, lưu lượng giao thông tăng cao khi đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc ở Việt Nam và Campuchia.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến khoảng 20.889 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương tham gia dự án 9.932 tỉ đồng, TP.HCM và Tây Ninh 2.900 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…; vốn do nhà đầu tư BOT huy động 10.957 tỉ đồng.
Dự án này hoàn thành sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TP.HCM để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại, trở thành cửa ngõ ra vào TP.HCM.
Đồng thời, dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng, khu vực ASEAN.
Dự án dự kiến khởi công năm 2024, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.