Phát tờ rơi, tuyên truyền, thậm chí lữ hành tự nhận phạt hoặc từ chối phục vụ du khách có những hành vi xấu,... hàng loạt đề xuất được đưa ra nhằm xây dựng một hình ảnh đẹp về người Việt Nam khi đi du lịch.

Đừng để bị bêu riếu

Những thói xấu của người Việt khi đi du lịch một lần nữa lại bị chê trách, phê phán tại buổi Tọa đàm Nâng cao hình ảnh du khách Việt ngày 31/3, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel, cho hay ông cũng rất buồn khi tận mắt chứng kiến những câu chuyện, hình ảnh đáng chê trách về người Việt khi đi du lịch.

Ông kể, năm ngoái, đoàn của công ty tới hòn đảo Kyushu ở miền nam nước Nhật và được đón tiếp rất trọng thị. Bác lái xe Nhật lớn tuổi nhưng lái xe giỏi, phục vụ rất tốt, rất lịch sự và giữ xe rất sạch sẽ. Mới đầu bác rất vui vẻ, cười suốt. Nhưng khách Việt Nam ăn uống trên xe để bẩn, bác phải dọn hàng ngày. Khách cũng thường xuyên đến muộn, mà xe thì không dừng đỗ được. Đến ngày cuối, bác không thể cười được nữa vì có 2 khách mải shopping nên đến điểm hẹn trễ gần 1 tiếng đồng hồ trong khi sắp đến giờ đoàn phải ra sân bay.

{keywords}

Người Việt Nam tranh giành thức ăn ở một nhà hàng buffet được cho là ở TP.HCM

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã liệt kê những thói hư tật xấu của người Việt khi đi du lịch, đó là trang phục không phù hợp (mặc đồ ngủ ra ngoài); nói bậy, ồn ào nơi công cộng; đi trễ, chen lấn; tranh giành, bỏ thừa mứa khi ăn uống; không giữ vệ sinh (xả rác, hút thuốc lá bừa bãi); chụp ảnh khi không được phép, không tìm hiểu thông tin về điểm đến; tham lam, ăn cắp vặt và bỏ trốn khi đi du lịch,...

Trong thời đại bùng nổ Internet, chỉ cần vài phút sau sự cố, cả thế giới đã tỏ tường, không thể giấu diếm hoặc lấp liếm qua chuyện. Cực kỳ nguy hại - ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, nhận xét.

Chính vì thế, ông cho hay hậu quả nhãn tiền là người Việt bị coi khinh.

Năm 2015, có tới 45 triệu người Việt đi du lịch trong nước và hơn 6 triệu khách đi du lịch nước ngoài

Đừng thắc mắc khi số nước miễn thị thực cho Việt Nam, cả ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông của Việt Nam chỉ bằng khoảng ¼ Singapore (45/167), thua cả Lào, Campuchia và Đông Tomor. Chỉ 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thống gồm 9 nước ASEAN (trừ Đông Timor); 4 nước còn lại lạ hoắc, ít ai nghĩ chuyện đi du lịch tới là Ecuador, Dominica, Panama (Trung Mỹ) và Kyrgyzstan (Trung Á). Số liệu này đã phản ảnh uy tín quốc gia của Việt Nam với thế giới.

Việc làm xấu hình ảnh quốc gia, dù vô tình hay cố ý, vẫn chưa bị xử lý nên vấn nạn cứ ngày càng lây lan. Trừ Thái Lan công khai, chưa ai biết Việt Nam nằm trong danh sách đen của bao nhiêu nước, ông Mỹ bức xúc.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình lo ngại, may mắn chúng ta chưa bị bêu riếu như các nước, song với tình trạng hiện nay, nếu không cẩn thận chỉ vài ba năm nữa người ta sẽ chỉ trích du khách Việt Nam chứ không phải là khách Trung Quốc nữa.

Chiều quá khách dễ sinh hư

Rõ ràng, việc nói thẳng nói thật về những tính xấu của người Việt là nên làm, thực tế là báo chí, mạng xã hội thời gian qua đã liên tục đề cập. 

{keywords}

Nguyên nhân, ông Mỹ chỉ ra rằng, là do pháp luật buông lỏng, không đủ sức răn đe và có tác dụng ngăn ngừa người vi phạm. Còn theo ông Đạt, thói quen xấu trong nước hàng ngày bị nhiễm theo khi đi du lịch, sự thiếu hiểu biết về quy tắc ứng xử cơ bản, coi mình là khách hàng phải trả tiền thì vô tư vi phạm,...

Ông Trịnh Lê Anh, Giảng viên Khoa Du lịch Đại học KHXH&NV, nói thêm, một phần nữa là do khách thiếu thông tin, kỹ năng tự lập ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ nhiệm khoa Du lịch (ĐH KHXH &NV), thì đề xuất, phía lữ hành có thể từ chối phục vụ hành khách có hành vi xấu như cách nhà chức trách hàng không đang áp dụng.

Là chủ nhiệm Khoa Du lịch Đại học Mở kiêm HDV đưa khách đi du lịch nước ngoài, ông Vũ An Dân cho hay ông đã hơn một lần xử phạt khách vi phạm về thời gian, như để khách tự lo phương tiện đi lại ở nước (tất nhiên là có hướng dẫn), không để cả đoàn phải chờ.

Như vậy, việc xử lý khách vi phạm có thể làm được, vấn đề còn lại là có dám làm không, và làm thế nào để hài hòa lợi ích 3 bên: quyền lợi của khách, quyền lợi của công ty du lịch và quyền lợi của quốc gia. "Việc từ chối phục vụ khách có tật xấu để đảm bảo quyền lợi cho các du khách khác là cần thiết. Chiều quá khách dễ sinh hư", ông nói.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có cơ chế đảm bảo cho phía lữ hành và HDV có quyền được phép áp dụng chế tài xử phạt, và cũng phải chịu trách nhiệm một phần về hành vi của khách. Về điều này, ông Vũ Thế Bình cho biết tới đây khi sửa Luật Du lịch sẽ lưu ý.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, cần biên soạn ngay bộ quy chế văn hóa tối thiểu của người Việt khi ra nước ngoài. Xác định trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị tổ chức, có chế tài nghiêm khắc. Cá nhân, có thể cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu vi phạm trầm trọng và cố ý. Các đơn vị tổ chức thì truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn cho đến vĩnh viễn tùy hậu quả.

Thậm chí, đại diện Công ty du lịch Transviet còn kiến nghị được phạt nếu để xảy ra tình trạng để khách có hành vi xấu ở ước ngoài. "Đó sẽ là cái cớ để chúng tôi luôn nhắc nhở khách thực hiện tốt các quy định về văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật để cả công ty và quý khách không bị phạt” - ông Đạt lý giải.

Tại buổi tọa đàm, Hiệp hội Du lịch đã đưa ra bản dự thảo Những lời khuyên cho du khách Việt Nam để lấy ý kiến trước khi ban hành.

Ngọc Hà