Khi du lịch mở cửa trở lại sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch Covid-19, blogger Vinh Gấu quyết định xuất ngoại để giải tỏa cảm giác “cuồng chân”. Chuyến đi này, anh chọn Bali (Indonesia) làm điểm đến. 

Trở lại Bali sau 4 năm, chàng blogger trẻ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị như lặn biển, chăm rùa con,... và ấn tượng nhất là chiêm ngưỡng đàn cá heo tung tăng bơi đi... ăn sáng.

Blogger Vinh Gấu có chuyến du lịch trở lại Bali sau 4 năm vào tháng 5 vừa qua
Tại thiên đường biển đẹp và nổi tiếng thế giới này, chàng trai trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như lặn biển, ngắm cá đuối khổng lồ,...

Đến Bali, nếu muốn trải nghiệm theo chân cá heo đi ăn sáng thì du khách phải di chuyển đến vùng Lovina, cách sân bay Denpasar khoảng 90km và tốn khoảng 2 giờ đồng hồ nếu đi ô tô. Du khách nên đến Lovina trước một ngày và nghỉ qua đêm ở các khách sạn, resort,… xung quanh, nằm gần biển để thuận tiện cho việc dậy sớm, ngắm cá heo đi ăn sáng vào hôm sau.

Lovina cách các thành phố du lịch như Ubud, Seminyak, Canggu khá xa, lại không có nhiều hoạt động du lịch nên chưa thu hút được nhiều sự chú ý của du khách. Nhưng nếu là người yêu biển, thích sự yên tĩnh và bình yên của làng chài hay muốn ngắm cá heo thì không nên bỏ lỡ điểm đến này.

Vùng biển Lovina ở Bali được du khách biết đến với trải nghiệm ngắm cá heo ăn sáng
Để kịp theo thuyền ra khơi và bắt trọn khoảnh khắc này, du khách phải dậy thật sớm, trước lúc mặt trời mọc
Khung cảnh buổi sáng tấp nập trên biển Lovina, khi những chiếc thuyền có thiết kế “hai càng” độc đáo đưa khách đi ngắm cá heo. Thuyền không tụ tập lại một chỗ mà chia ra nhiều khu để tránh làm đàn cá thấy đông quá rồi bỏ ăn

Từ khoảng 5h30 đến 6h30, lúc mặt trời dần ló rạng, các bãi biển ở vùng Lovina bắt đầu trở nên sôi động hơn khi những chiếc thuyền khởi động để ra ngoài khơi, nơi có những đàn cá heo thường tung tăng bơi đi ăn sáng. Để chiêm ngưỡng khoảnh khắc cá heo ăn sáng, du khách phải dậy sớm trước lúc bình minh mới kịp lên thuyền ra khơi. Vì cá heo đi ăn hàng ngày nên tỉ lệ khách du lịch gặp được loài cá đáng yêu này rất cao.

“Từ đất liền, người Bali dùng thuyền Juking truyền thống để di chuyển ra nơi cá heo ăn sáng, tốn khoảng 20 phút. Chiếc thuyền này có vỏ làm bằng chất liệu composite, còn hai bên mạn thuyền thiết kế từ những cây gỗ và ống tre lớn, giúp thuyền cân bằng hơn khi di chuyển trên mặt biển. Trước khi hạ thuỷ, người dân địa phương cũng làm lễ để xin các vị thần ban phước lành cho những chuyến ra khơi của họ”, blogger Vinh Gấu kể.

Khi thấy đàn cá heo xuất hiện, thuyền sẽ chạy song song với hướng bơi của chúng để không làm ảnh hưởng tới việc kiếm ăn của sinh vật đáng yêu này và giúp du khách dễ dàng quan sát
Du khách thích thú chụp ảnh, bắt trọn khoảnh khắc cá heo đi ăn sáng trên biển Lovina
Thỉnh thoảng, những chú cá heo bật nhảy khỏi mặt nước, tung tăng nô đùa trong tiếng hò reo, thích thú của du khách trên thuyền

Lần đầu thấy cả đàn cá heo đi ăn sáng đông như vậy, blogger Vinh Gấu rất phấn khích trước độ dễ thương của loài sinh vật biển này. Nhiều du khách còn phải thốt lên “wow”, cười sảng khoái và thích thú khi đàn cá nhảy bật lên khỏi mặt nước biển nhiều lần nữa.

Chàng trai trẻ tiết lộ thêm, cá heo ở đây tự đi kiếm ăn chứ không phải do người dân thả mồi để chiêu dụ chúng. Bởi vậy, không ai biết được đàn cá ấy sẽ ngoi lên, tung tăng ở khu vực nào và chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của người lái thuyền. 

Khi thấy bóng dáng của đàn cá heo bơi lội, chiếc thuyền lập tức tăng tốc để chạy song song với chúng. Nhờ thế, du khách có thể thoải mái ngắm nhìn loài cá thân thiện này.

Thỉnh thoảng, những chú cá heo ham vui sẽ nhảy lên khỏi mặt nước để nghe tiếng hò reo náo nhiệt và tiếng máy ảnh chụp liên tục từ du khách trên thuyền. Chi phí trọn gói cho một chuyến đi thuyền ngắm cá heo ăn sáng tại Lovina dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/người

Thời tiết lý tưởng ở Bali là từ khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Đây cũng là khoảng thời gian đẹp nhất để du khách ghé thăm Bali nói chung và đi ngắm cá heo nói riêng.

Sau khi chiêm ngưỡng cá heo, thuyền sẽ đưa du khách về vùng biển gần bờ hơn để trải nghiệm lặn ngắm san hô. Hệ sinh thái biển ở đây được bảo vệ rất tốt nên khách du lịch có cơ hội ngắm cảnh quan đẹp mê dưới đáy đại dương.

Sau khi xem cá heo đi ăn sáng, blogger Vinh Gấu di chuyển theo thuyền tới vùng biển gần bờ để lặn ngắm san hô

Theo blogger Vinh Gấu, thông thường, người dân địa phương sẽ cung cấp cho du khách các gói dịch vụ trải nghiệm gồm ngắm cá heo và lặn snorkeling để chiêm ngưỡng những dải san hô dưới đáy biển. Mặt nước gần bờ cũng tĩnh lặng nên rất thích hợp để khách mặc áo phao, đeo ống thở, đeo kính lặn, xỏ chân vịt (fins) vào và nhảy ùm xuống biển, thoải mái ngắm san hô một cách thư giãn.

Trong thời gian lưu trú ở Lovina, blogger Vinh Gấu còn thuê xe máy, chạy đến điểm tắm suối khoáng nóng Air Panas Banjar. Suối khoáng này cách bãi biển Lovina khoảng 20 phút di chuyển bằng xe máy. Ở đây, khách hàng đa số là người địa phương nên không quá đông và rộng lớn. 

Buổi chiều, chàng trai trẻ tận hưởng chút thời gian lãng mạn trên bãi biển bằng bộ pour cà phê, vừa nhâm nhi thưởng thức, vừa chìm đắm trong ánh hoàng hôn.


Ảnh: Vinh Gấu

Phan Đậu