Nếu du học được coi như một khoản đầu tư cho tương lai, thì việc bị đánh giá thấp trên thị trường lao động là một lãng phí lớn.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn có số lượng du học sinh đứng trong top đầu các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm 2015, Việt Nam có khoảng 120.000 du học sinh, trong đó 90% là du học tự túc với số ngoại tệ chi cho việc du học lên đến 3 tỷ USD hàng năm.
Bên cạnh những thuận lợi thường được nhắc đến như ngôn ngữ, kiến thức, tư duy, cơ hội nghề nghiệp…, chất lượng du học cũng tồn tại những hạn chế trước đòi hỏi của thị trường lao động. Nhiều nhà tuyển dụng bắt đầu có cái nhìn cẩn trọng hơn khi tuyển dụng du học sinh.
Nếu du học được coi như một khoản đầu tư cho tương lai, thì việc bị đánh giá thấp trên thị trường lao động là một lãng phí lớn. Bài viết này, vì thế, sẽ bàn đến những vấn đề mà du học sinh Việt Nam thường phải đối mặt trong quá trình du học, dẫn đến những kết quả không như mong đợi sau khi họ tốt nghiệp và bắt đầu tham gia thị trường lao động trong, ngoài nước.
Bên cạnh những khó khăn khách quan đã được chỉ ra nhiều lần, có một lý do mang tính chủ quan, rất quan trọng từ bản thân du học sinh cùng gia đình họ: đó là việc đặt câu hỏi Du học để làm gì và Làm thế nào để đạt được mục tiêu du học?
Nếu du học được coi như một khoản đầu tư cho tương lai, thì việc bị đánh giá thấp trên thị trường lao động là một lãng phí lớn. Ảnh minh họa |
Những câu hỏi cần trả lời
Thông thường, khi bắt đầu có ý định cho con em đi du học, một kỳ vọng rất lớn của các gia đình là tạo điều kiện để con em đạt được tấm bằng có giá trị quốc tế, từ đó có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai. Họ mong muốn con em được trải nghiệm một môi trường xã hội văn minh, trau dồi kỹ năng ngôn ngữ, mở mang kiến thức VH-XH để hội nhập thị trường lao động toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều gia đình không suy nghĩ và cân nhắc thỏa đáng mục tiêu du học. Có gia đình đơn giản là vì xu hướng du học đang trở nên phổ biến, ai ai cũng cho con đi thì mình cũng "thi đua" theo. Thậm chí, có những gia đình còn coi việc này như cách khẳng định "nhà có điều kiện".
Rõ ràng, việc không quan tâm đến đặt mục tiêu một cách nghiêm túc sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả. Khá nhiều du học sinh sa đà vào những thú vui, hoạt động giải trí như chơi game online, mạng xã hội, đi bar, club, mua sắm, du lịch... Không ít du học sinh vì sức ép tài chính mà mải mê đi làm thêm.
Đó đều là những hoạt động bình thường mà hầu như du học sinh nào cũng tham gia. Tuy nhiên, vì không lập mục tiêu cụ thể hoặc không bám sát mục tiêu đặt ra, khá nhiều du học sinh không cân bằng được và lãng phí nhiều thời gian quý giá cho chúng.
Ở một số thành phố lớn nơi có đông đảo cộng đồng du học sinh Việt, việc sống tập trung cũng ảnh hưởng lớn đến chuyện sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Mạng xã hội cũng là một lý do khiến các du học sinh có xu hướng sống khép kín hơn, ít giao du và kết bạn với người nước ngoài, người bản xứ để nâng cao kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ và kiến thức văn hóa.
Điều quan trọng nhất
Để khắc phục những hạn chế nói trên, nâng cao chất lượng du học, thì điều quan trọng nhất chính là xác định đúng mục tiêu du học và bám sát, quyết tâm thực hiện mục tiêu đó, trong suốt quá trình du học. Để có một bằng cấp mang giá trị quốc tế và có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai thì gia đình và du học sinh cần có sự chuẩn bị lâu dài từ trước khi đi du học.
Trước tiên, việc chọn trường là một vấn đề cần tìm hiểu kỹ. Không thiếu những trường đại học chất lượng đào tạo không tốt nhưng lại có chính sách học phí rất rẻ để thu hút sinh viên nước ngoài.
Để du học sinh được trải nghiệm ở một môi trường xã hội văn minh và hấp thụ các giá trị về văn hoá, nâng cao khả năng ngôn ngữ và kiến thức xã hội, các em cần phải chủ động hòa nhập vào môi trường sống khi đi du học. Các hoạt động giải trí, đi làm thêm cần được cân bằng với việc học.
Các du học sinh cần phải năng nổ tham gia vào các hoạt động do hội sinh viên của trường và hiệp hội sinh viên Việt Nam ở các nước tổ chức. Việc đi du lịch cũng kết hợp với tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa và xã hội ở những điểm đến. Các hoạt động giải trí online cần được chú ý tiết chế, vì đây là một trong những hoạt động tốn kém thời gian nhất, khiến cho du học sinh dễ chui vào vỏ ốc của mình, hạn chế những hoạt động giao lưu và tương tác xã hội.
Du học sinh cũng nên chú ý theo dõi các kênh truyền thông của nước ngoài để thu thập thông tin và trau dồi cả khả năng ngôn ngữ, thay vì vẫn duy trì thói quen chỉ theo dõi các kênh truyền thông trong nước bằng tiếng Việt.
Nếu như trước đây du học sinh thường được gắn với những ấn tượng rất tích cực về sự giỏi giang và thành đạt, thì ngày nay điều đó không còn được thừa nhận một cách mặc nhiên nữa. Sự bùng nổ số lượng du học sinh tất nhiên đã làm ảnh hưởng đến cái nhìn đó, theo nguyên tắc thống kê 20/80.
Một lượng ngoại tệ rất lớn hàng năm đổ ra nước ngoài từ Việt Nam nhưng nếu hiệu quả mang lại hạn chế thì đó sẽ là một sự lãng phí rất lớn, trong khi giáo dục trong nước thì thiếu những khoản đầu tư tương tự để cải thiện và nâng cao chất lượng.
Lê Đức Tiến, Nghiên cứu sinh ngành Marketing, Trường Đại học Aston, Vương quốc Anh
Đỗ Văn Hoà, Nghiên cứu sinh ngành Quản trị nhân sự, Trường Đại học Aston, Vương quốc Anh
Khi bằng Trung cấp được ưu ái hơn… Đại học Mỗi sinh viên cần phải tự hỏi mình 3 câu sau để trả lời cho thực trạng thất nghiệp của mình. |