Cách xử lý của Đà Nẵng là một tiền lệ tốt. Tuy nhiên, về lâu dài để những chương trình phát triển nguồn nhân lực như thế này có hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm.

Du học sinh: Muốn về lại sợ ‘hậu duệ, quan hệ’

Du học: 'Đã sang đến Mỹ rồi, sao lại về?'

Gần đây, TP. Đà Nẵng đã khởi kiện 07 “nhân tài” buộc hoàn trả hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách TP, do không thực hiện đúng cam kết khi tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Hiện tượng “quất ngựa truy phong”

Nếu xem xét sự việc từ góc độ hợp đồng – cam kết giữa các du học sinh (DHS) và TP. Đà Nẵng–có thể thấy ngay “cái lý” thuộc về bên nào. Vì một nguyên tắc hợp đồng cơ bản là: Khi đã ký vào hợp đồng thì quyền lợi luôn đi kèm nghĩa vụ. Ở đây, quyền hưởng kinh phí đào tạo của các DHS đi liền với nghĩa vụ trở về sau khi kết thúc khóa học và làm việc, đóng góp cho TP. đủ thời gian quy định. Cho nên nếu không thực hiện đúng cam kết này, đó là hành vi phạm hợp đồng. Việc khởi kiện của TP. Đà Nẵng là hoàn toàn chính đáng.

Thực tế, hiện nay không ít DHS được tài trợ bằng ngân sách trung ương hoặc địa phương có suy nghĩ: Trước hết cần tìm được nguồn tài trợ để đi học, sau đó sẽ tìm cách thoái thác nghĩa vụ trong cam kết, thậm chí sẵn sàng bồi thường. Nhưng liệu việc bồi thường như vậy đã là sòng phẳng?

Rõ ràng là không! Cơ quan cấp ngân sách đóng vai trò một nhà đầu tư và mục đích đầu tư của họ không phải để nhận lại số tiền bồi thường, dù là gấp vài lần. Thành quả đầu tư mà họ mong muốn là nguồn nhân lực chất lượng cao trở về làm việc. Dù có được bồi thường đi chăng nữa, nhà đầu tư vẫn chịu tổn thất vì không đạt được mục đích đầu tư ban đầu.Việc kiện để thu hồi số tiền thất thoát thực sự là việc cực chẳng đã mới phải làm.

Chưa kể, việc sử dụng ngân sách như nguồn vốn miễn phí hoặc giá rẻ để đầu tư cho bản thân, sau đó tìm cách “quất ngựa truy phong” thực chất là một hành vi chiếm dụng vốn. Không chỉ vi phạm pháp luật, nó còn là biểu hiện của thói cơ hội và sự thiếu đạo đức. Bởi như phát biểu của vị Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng: “Tiền thành phố chi cho các học viên đều từ ngân sách, tức là tiền thuế của dân, là mồ hôi của công nhân trong xưởng máy, của nông dân ngoài đồng và cả lệ phí của những chị em buôn thúng bán bưng.”[1]

Tất nhiên cũng có những trường hợp khó xử như một số DHS không trở về vì có cơ hội học cao hơn. Ai cũng biết rằng nếu chờ thêm vài ba năm nữa, khi các DHS trở về, họ sẽ có trình độ và bằng cấp tốt hơn kỳ vọng ban đầu của Đà Nẵng. Song, có hai câu hỏi cần được trả lời: Thứ nhất, liệu công việc mà TP. muốn bố trí cho họ có đòi hỏi trình độ ở bậc học cao hơn không? Thứ hai, có gì đảm bảo rằng sau khi hết thời gian được gia hạn, các DHS chắc chắn sẽ trở về?

{keywords}
Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: VnExpress

Chính sách cần có sự ràng buộc tỷ mỉ hơn

Cũng có ý kiến cho rằng, đôi khi việc DHS ở lại nước ngoài còn tốt hơn bắt họ trở về nếu điều đó giúp họ đóng góp nhiều hơn cho đất nước và địa phương. Người viết cũng đồng ý với quan điểm này, nhưng đây là một vấn đề nằm ngoài hợp đồng. Sẽ là câu chuyện khác nếu DHS tự bỏ kinh phí hay được nước ngoài tài trợ. Còn trong trường hợp của Đà Nẵng, các DHS hưởng lợi từ ngân sách địa phương nên việc tuân thủ cam kết phải được đặt lên trên hết.

Việc có đồng ý gia hạn hay không, dù vì bất cứ lý do gì, thuộc quyền quyết định của bên cấp kinh phí. DHS không nên căn cứ vào các tiền lệ được gia hạn để đòi hỏi sự đãi ngộ tương tự, vì mỗi trường hợp sẽ được xem xét tùy vào thời điểm và hoàn cảnh. Dù biết rằng việc bồi thường sẽ khiến gia đình của các DHS sẽ phải gánh khoản nợ lớn, nhưng đây là sự sòng phẳng và khắt khe của hợp đồng, điều mà họ lẽ ra phải ý thức được từ trước.

Cách xử lý của Đà Nẵng là một tiền lệ tốt cho những địa phương khác bởi hiện nay, tình trạng vi phạm cam kết đào tạo không phải là hiếm nhưng trong đa phần các trường hợp cơ quan cấp ngân sách đều không xử lý quyết liệt để rồi mọi việc dần rơi vào quên lãng.

Tuy nhiên, về lâu dài để những chương trình phát triển nguồn nhân lực như thế này có hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm.

Khi xây dựng quy định, cơ quan cấp kinh phí cần làm rõ các ràng buộc trong cam kết và cảnh báo DHS về nghĩa vụ. Điều này giúp DHS ý thức được họ thật sự chịu trách nhiệm pháp lý khi nhận kinh phí đào tạo chứ đó không đơn giản chỉ là một quy định hình thức.

Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ đối với các DHS có năng lực đã trở về làm việc sau quá trình đào tạo. Thực tế, mức lương thấp cùng với điều kiện làm việc không tương xứng khiến cho việc đi làm chỉ là “kéo cày trả nợ”, rất khó có được sự toàn tâm toàn ý để đạt hiệu quả cao.

Vì thế, các cam kết đào tạo không chỉ cần ràng buộc số năm làm việc sau khi trở về mà còn cần làm rõ tối đa điều kiện công tác và chế độ đãi ngộ dự kiến để bên nhận kinh phí xem xét trước khi đặt bút ký.

Điều cuối cùng, qua thống kê của Đà Nẵng, đại đa số các trường hợp được nhận học bổng đã trở về và đang công tác tốt. Do đó, chính sách này nên được duy trì dù gặp phải một vài vướng mắc như những vụ kiện cáo bất đắc dĩ này. Chính sách nào cũng có điểm yếu, nhưng với sự thiện chí và tinh thần thượng tôn pháp luật, chắc chắn nó sẽ dần được hoàn thiện.

Khương Duy 

--------

[1] Nhân tài không về Đà Nẵng vì muốn học tiến sĩ, VnExpress, 2/10/2015.