“Quyết định rút khỏi trạm sau năm 2024 đã được đưa ra”. Yuri Borisov, người vừa được chỉ định điều hành Roscosmos, tập đoàn nhà nước chịu trách nhiệm với chương trình không gian quốc gia Nga, cho biết.
Theo đó, Nga vẫn sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết từ giờ cho tới năm 2024 và tập trung phát triển một trạm vũ trụ độc lập. “Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một trạm không gian của người Nga”, lãnh đạo Roscosmos cho hay.
Căng thẳng giữa Washington và Moscow đã ngày càng gia tăng sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2. Dmitry Rogozin, người tiền nhiệm của ông Borisov trong những tháng gần đây cũng đã tuyên bố về ý định ngừng tham gia trạm vũ trụ quốc tế, nhưng giới quan sát vẫn mơ hồ về thời điểm chính thức hoặc đây đã là quyết định cuối cùng hay chưa.
Nếu Nga chính thức thông qua, nước này sẽ đẩy nhanh việc kết thúc dự án mà NASA đã đầu tư khoảng 100 tỷ USD trong 25 năm qua và tạo ra một cuộc tranh cãi về tương lai.
Trạm vũ trụ quốc tế hợp tác với Nga, cùng Canada, châu Âu và Nhật Bản là chìa khoá để nghiên cứu tác động của không trọng lượng và bức xạ với sức khoẻ con người, yếu tố quan trọng để chinh phục Sao Hoả trong tương lai.
Một quan chức tại Nhà Trắng thông tin, Mỹ chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Nga, về việc họ sẽ rút khỏi trạm vũ trụ quốc tế.
“Chúng tôi đã xem xét các lựa chọn để giảm thiểu các tác động có thể xảy ra đối với trạm ISS sau năm 2024 trong trường hợp Nga rút khỏi dự án này”, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói.
Các chuyên gia cho rằng, thông báo trên của Nga khiến tương lai duy trì hoạt động của ISS từ giờ đến cuối thập kỷ càng trở nên mờ mịt.
Trong khi đó, các quan chức NASA vẫn tin tưởng rằng Nga sẽ tiếp tục ở lại ISS cho tới năm 2030, bất chấp khác biệt chính trị ngày càng lớn giữa 2 nước.
Phát biểu từ trạm không gian, Kjell Lindgren, một trong số phi hành gia của NASA trên ISS cho biết, mọi thứ tại đây vẫn chưa có gì thay đổi.
“Đó là tin tức rất mới, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào. Chúng tôi được huấn luyện để thực hiện 1 nhiệm vụ tại đây, và tất nhiên nhiệm vụ này cần có sự tham gia của toàn bộ phi hành đoàn”.
Vinh Ngô (Theo NYTimes)